Ngành tư pháp giải bài toán nguồn nhân lực

Pháp luật - Ngày đăng : 06:40, 10/02/2022

Nhiệm vụ ngày càng nhiều, trong khi biên chế không tăng, ngành tư pháp đang nỗ lực giải bài toán về nhân lực, nhất là cấp huyện, xã.
tu-phap.jpg.jpg
Ngành tư pháp triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Ngành tư pháp có rất nhiều lĩnh vực công tác như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các lĩnh vực quản lý nhà nước khác... Rồi công tác pháp luật về quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật; thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Với khối lượng lớn công việc, nhưng hiện toàn ngành chỉ có 61 cán bộ, công chức, trong khi số lượng cần là 71 biên chế mới lấp đầy vị trí khuyết.

Thiếu nhân lực

Toàn tỉnh có bao nhiêu phòng tư pháp ở các huyện, thị bao gồm các xã, phường, thị trấn thì có bấy nhiêu nơi gần như thiếu nhân lực. Theo kết quả rà soát, đánh giá đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh, tổng số công chức hiện đang làm nhiệm vụ ở các phòng tư pháp huyện, thị là 35 công chức/41 biên chế được giao. Số phòng tư pháp được bố trí đủ biên chế 4/10 phòng; số phòng chưa bố trí đủ là 6/10 phòng.

Ngoài ra có nhiều phòng chưa được bố trí trưởng, phó phòng, đa phần rơi vào những phòng tư pháp ở các huyện, thị thiếu biên chế nêu trên bao gồm thị xã La Gi đang khuyết trưởng phòng. Riêng Phòng Tư pháp thành phố Phan Thiết được bố trí đủ nhân lực nhưng hiện chỉ có 2 phó phòng chưa có trưởng phòng. Bên cạnh đó, công chức tư pháp - hộ tịch giúp UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ tư pháp cũng thiếu, hiện chỉ có 240 công chức, trong khi được giao 249 biên chế, do đó mỗi cán bộ tư pháp phải kiêm nhiệm rất nhiều việc.

Tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2022 diễn ra cuối năm qua, nhiều lãnh đạo các huyện, thị đã trăn trở vấn đề này khi áp lực giải quyết công việc cao, trong đó lập hồ sơ xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai, hộ tịch... Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bắc Bình cho biết: Với khối lượng công việc lớn, cần phải tăng thêm nhân lực, chúng tôi đã đề nghị Sở Tư pháp quan tâm vấn đề này.

Giải bài toán

Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Minh Hiếu ghi nhận những vướng mắc của các phòng tư pháp và cho biết, sẽ có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo sắp xếp bố trí lại công chức tư pháp – hộ tịch trong thời gian tới theo quy định chung của Bộ Tư pháp.

Tuy vậy, cái khó là hiện nay theo quy định của Luật Hộ tịch cũng như văn bản của Bộ Tư pháp, cán bộ tư pháp – hộ tịch phải có trình độ cử nhân hoặc trung cấp luật trở lên. Theo đó, để bổ nhiệm cán bộ vào vị trí lãnh đạo chủ chốt phải là cử nhân luật, ngoài ra chưa nói đến cán bộ ấy phải có năng lực, phẩm chất đạo đức, chính trị tốt và vững vàng... Đây là yếu tố tiên quyết vì một người có phẩm chất đạo đức tốt, có tâm với nghề thì giải quyết công việc bằng 2 – 3 người năng lực kém. Theo bà Hiếu, năm qua Phòng Tư pháp thị xã La Gi cũng đã làm công tác cán bộ lấy ý kiến sở, điều động luân chuyển cán bộ có đủ phẩm chất tốt làm trưởng phòng. Tuy vậy có người đạt được, nhưng về mặt trình độ chuyên môn không đạt, nên chưa thể bố trí.

Dù khó, ngành tư pháp nỗ lực giải bài toán này bằng cách tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn... Bổ sung các vị trí tư pháp - hộ tịch còn thiếu ở các địa phương theo đúng tiêu chuẩn của Luật Hộ tịch quy định. Bổ nhiệm các chức danh phó, trưởng phòng ở những nơi còn khuyết nhằm nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc Bộ Tư pháp và UBND tỉnh giao.

Ninh Chinh