Căng thẳng bởi xăng dầu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 10/02/2022
Những ngày phập phồng
Bán sỉ hạn chế
Mấy ngày qua, không ít doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh muốn mua nhiều hàng để trữ bán như thường lệ, nhưng không thể mua được lượng xăng dầu như ước muốn từ các doanh nghiệp đầu mối. Trong khi đó, hàng trữ trước tết đã bán gần hết, có một số doanh nghiệp tính chỉ cầm cự trong vòng vài ngày. Điều này khiến chủ các cây xăng dầu trên địa bàn tỉnh nóng ruột, vì lo bị đứt hàng, lo không có hàng để bán và lo cả chuyện phải giải trình với ngành chức năng lý do phải đóng cửa cây xăng dầu. Thêm nữa, điều đại kỵ trong kinh doanh, nhất là đầu năm là đóng cửa cây xăng, dù sau đó mở lại nhưng cũng ảnh hưởng thương hiệu không ít.
Ở diễn biến khác, ngày 11/2, tức ngày mai là đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu nên thêm một lý do để hiểu vì sao đại diện của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như PV oil, Dương Đông Hòa Phú, Petrolimex… tại Bình Thuận xem xét nhu cầu thực tế của từng đại lý trong hệ thống qua từng cây xăng và chỉ cung cấp một lượng hàng nhất định cho bán lẻ. “Trong hoàn cảnh nguồn cung xăng dầu trên thế giới lẫn trong nước đều bị hụt thì việc đáp ứng nhu cầu cho các đại lý trong hệ thống theo hướng đảm bảo vẫn có hàng để bán trong những ngày qua tại Bình Thuận là sự nỗ lực. Không chỉ khống chế tình trạng mong gom nhiều hàng, hy vọng bán giá cao sau ngày 11/2 của một số cây xăng, giúp ổn định thị trường mà còn vì bản thân doanh nghiệp đầu mối cũng trong cảnh càng bán càng lỗ. Vì giá xăng dầu thế giới nhập khẩu cao ngang giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường trong nước mà Chính phủ quy định, trong khi chi phí lưu kho, vận chuyển, nhân công vẫn phát sinh” - một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết.
Liệu có đứt hàng?
Tình hình chung trong kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối hay doanh nghiệp bán lẻ, đại lý đều trong cảnh càng bán càng lỗ như thế. Nhưng trong kinh doanh lời hay lỗ cũng có lúc này, lúc khác nên các đơn vị trên đều nỗ lực duy trì hoạt động, xuất phát từ sự chia sẻ, phục vụ người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế, gần nhất như hôm qua, tại các cây xăng dầu trong TP.Phan Thiết, mọi hoạt động mua bán mặt hàng này vẫn diễn ra bình thường, không có cảnh xếp hàng mua xăng dầu như hình ảnh thấy mấy ngày qua ở một số tỉnh, thành trên báo chí. Nhưng bên cạnh cũng có một số cây xăng trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Trần Phú đóng cửa với lý do sửa chữa…
Trong khi đó, hôm nay (10/2), đại diện Công ty TNHH Hải Hiến, chủ đầu tư 2 cây xăng tại huyện đảo Phú Quý sẽ vào Tổng kho xăng dầu Dương Đông Hòa Phú mua 132 tấn xăng dầu đem về đảo sớm, vì lượng hàng tại đảo chỉ bán được trong vòng 3 ngày nữa là hết. Lượng hàng đó có 60 tấn xăng, còn lại là dầu nhằm phục vụ cho ngư dân trên đảo chuẩn bị đi đánh bắt khơi xa. Mấy ngày tết đến nay, ở Phú Quý có gió mạnh cấp 6, cấp 7 và theo dự báo, phải sang rằm tháng giêng thì biển mới êm, các ngư dân bắt đầu hành trình đánh bắt khơi xa. Với số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt dài ngày trên biển của Phú Quý thì với lượng dầu như trên chẳng thấm vào đâu. Tuy nhiên, nhiều tàu thuyền ở đảo cũng thường ghé TP.Phan Thiết để lấy đá lẫn dầu nên cũng giảm áp lực thiếu dầu cho đảo.
Đại diện Công ty TNHH Dương Đông Bình Thuận, đơn vị đầu tư dự án Tổng kho xăng dầu Dương Đông Hòa Phú tại Tuy Phong, trung chuyển hàng đến 3 tỉnh khác cho biết, không chỉ Công ty TNHH Hải Hiến mà các công ty, doanh nghiệp khác trên địa bàn Bình Thuận là đại lý trong hệ thống đều được công ty ưu tiên bảo đảm nguồn hàng xăng dầu để bán lẻ. Vài ngày tới, Tổng kho xăng dầu sẽ tiếp nhận 1 tàu hàng 3 triệu lít xăng dầu nữa nên chắc chắn trong 15 ngày tới, 30 đại lý với khoảng 50 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Bình Thuận của đơn vị sẽ không thiếu hàng bán. Nhưng thời gian sau đó nữa thì đơn vị không chắc chắn, dù có tín hiệu một lượng lớn xăng dầu sắp được nhập khẩu. Tuy nhiên, thời gian chuyên chở về có kịp để cung ứng cho bán lẻ hay không vẫn chưa thể nói trước được nên ai kinh doanh xăng dầu hiện đều trong cảnh phập phồng.