Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Kinh tế - Ngày đăng : 09:13, 10/02/2022

BTO- UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02 (ngày 10/1/2022) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Qua đó hướng tới mục tiêu cụ thể hóa từng nội dung để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Đồng thời tiếp tục xây dựng chính quyền hành động nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là tập trung cải thiện tăng điểm, tăng bậc đối với 5 chỉ số giảm điểm, giảm bậc trong năm 2020. Phấn đấu đưa Bình Thuận từ nhóm “trung bình” lên nhóm “khá” của cả nước trong các năm tiếp theo để thích ứng với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid - 19 tác động nặng nề tới doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập và giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng như giảm chi phí thời gian, chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch, kịp thời hỗ trợ người dân lẫn doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19. Tiếp nữa là khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện các dự án đã cấp chủ trương đầu tư đúng tiến độ. Rà soát và kiên quyết chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư chậm triển khai theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia tăng sản xuất nhằm bù đắp ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và thiên tai.

Kế hoạch của UBND tỉnh cũng đặt mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh. Qua đó thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong giai đoạn tiếp theo và tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), DDCI (Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố), về trách nhiệm trong việc nâng cao thứ bậc xếp hạng PCI của Bình Thuận, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp…

Bên cạnh nhiệm vụ và giải pháp chung, Kế hoạch cũng chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh. Tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lẫn cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai.

Ngoài ra còn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát. Mặt khác cũng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với chỉ tiêu phát triển bền vững, tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid - 19. Tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những giải pháp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Bình Thuận (Ảnh minh họa).

Đ.QUỐC