Cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm sạch của Bình Thuận

Kinh tế - Ngày đăng : 08:47, 20/11/2017

BT- Mỗi tháng, khoảng 100 tấn thủy sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Sau thủy sản, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục “bắt tay” cùng Bình Thuận phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, hỗ trợ tiêu thụ những sản phẩm chất lượng chủ lực, lợi thế của tỉnh như thanh long và các loại nông sản khác.
                
Thu mua hải sản tại cơ sở Mười Tuyền.

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh do bà Phạm Khánh Phong Lan làm Trưởng ban dẫn đầu, cùng Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận vừa khảo sát và ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) giữa Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, khai thác đến giết mổ, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ.

Thời gian qua, Bình Thuận đặc biệt quan tâm thực hiện các mô hình cung ứng thực phẩm an toàn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 2 chuỗi thanh long (sản lượng 6.000 tấn/năm), 1 chuỗi mủ trôm, 3 chuỗi nước mắm, 3 mô hình sản phẩm thủy sản khô, cấp 11 giấy xác nhận cho 9 điểm bán với 162 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn… Đặc biệt, ngành đang hỗ trợ 4 doanh nghiệp thực hiện việc dán tem điện tử cho các sản phẩm gồm thủy sản khô an toàn, mủ trôm, rau an toàn. Qua đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận diện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông minh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Mai Kiều cho biết: “Việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản theo chuỗi cung ứng  thực phẩm an toàn với TP. HCM có ý  nghĩa đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm cơ hội xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm an toàn vào thị trường TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Bình Thuận có ít nhất 50% sản lượng nông, thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi”.

 Bước đầu tiêu thụ thủy sản sạch

Trong dịp này, hai đơn vị phân phối và sản xuất là Saigon Co.op và Công ty TNHH Mười Tuyền (Phan Thiết) đã tiến hành ký kết hợp tác tiêu thụ khoảng 100 tấn thủy sản mỗi tháng. Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân khẳng định: “Việc đảm bảo vệ sinh ATTP nếu thực hiện tốt trong chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, mà còn mang lại giá trị thương hiệu cho các đơn vị cung cấp, góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực cung ứng. Saigon Co.op mong muốn mở rộng danh mục tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Bình Thuận tham gia chuỗi thực phẩm an toàn.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: “Sản lượng thủy sản nhất là cá và mực tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng rất lớn. Trong chương trình của Ban ATTP thành phố rất quan tâm phát triển thực phẩm an toàn và chống thực phẩm bẩn. Muốn đẩy mạnh tiêu thụ phải thực hiện chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn”. Bà Lan cũng đánh giá cao mô hình hợp tác giữa đơn vị phân phối Co.opmart với 4 tàu đánh bắt hải sản tại Bình Thuận khi thực hiện sản xuất theo chuỗi. Theo đó, Co.opmart sẽ trang bị những thiết bị bảo đảm cho quá trình cấp đông trên tàu theo đúng kỹ thuật và không phải sử dụng những chất độc hại như u rê… và sau đó là bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là điểm thuận lợi khi hợp tác tiêu thụ hải sản giữa TP. Hồ Chí Minh và Bình Thuận so với các tỉnh Lâm Đồng, Long An. Vì cơ sở cung ứng được kiểm soát qua nhiều khâu, nên sản phẩm thủy sản chúng tôi rất yên tâm. Bà Lan hy vọng, thời gian tới không chỉ cơ sở Mười Tuyền mà có thêm nhiều cơ sở khác liên kết các chuỗi phân phối hiện đại, giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận sản phẩm an toàn và chất lượng.

 Trách nhiệm doanh nghiệp và cơ quan quản lý

Theo đánh giá, sản lượng thủy sản Bình Thuận cung ứng cho TP. Hồ Chí Minh khoảng 17.000 – 18.000 tấn/năm, con số còn khá khiêm tốn so tiềm năng của Bình Thuận. Vì vậy, nhiệm vụ của các sở, ngành là phải định hướng, hướng dẫn để các cơ sở sản xuất, chế biến, khai thác nông, thủy sản cùng tham gia và đồng hành cùng với các doanh nghiệp tiêu thụ thực phẩm sạch. Việc ký kết, phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm mới chỉ là bước đầu. Ban ATTP TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục giám sát chất lượng sản phẩm để đảm bảo thực phẩm an toàn, chất lượng đến bàn ăn. Sở Nông nghiệp & PTNT và các cơ quan chuyên môn cần phối hợp kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong sản phẩm an toàn theo chuỗi nông thủy sản, để mở ra cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm sạch của Bình Thuận.

    
    Bà Phạm   Khánh Phong Lan – Trưởng ban ATTP TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hiện sản   xuất nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng từ 20 - 30% nhu cầu   thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh khác. Vì   vậy, thị trường 10 triệu dân của TP. Hồ Chí Minh chính là thị trường đầy   tiềm năng. Do đó, chúng tôi khuyến khích những sản phẩm chất lượng chủ   lực của tỉnh Bình Thuận như thủy sản tham gia vào chuỗi thực phẩm an   toàn để cung ứng thực phẩm sạch cho người dân. Bình Thuận còn có thế   mạnh về quả thanh long và các loại nông sản khác. Sau thủy sản, TP.Hồ   Chí Minh sẽ tiếp tục khảo sát và hỗ trợ tiêu thụ những sản phẩm khác của   tỉnh”.

Thanh Duyên