Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Kinh tế - Ngày đăng : 06:05, 16/02/2022

Trước tác động của đại dịch, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng chống Covid-19, vừa duy trì ổn định sản xuất - kinh doanh an toàn, hướng đến hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới…
lanh-dao.jpg.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh trong lần gặp gỡ, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả, UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở ngành xây dựng, tham mưu kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích nghi với dịch Covid-19. Bên cạnh đó còn thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh để giải quyết kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đến nay, Tổ công tác đặc biệt này (đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã tiếp nhận và phối hợp sở ngành, địa phương liên quan trả lời, giải quyết hàng chục kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn Bình Thuận. Trong đó chủ yếu là về hỗ trợ gia hạn nợ, miễn giảm các loại thuế, hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất ngân hàng. Hoặc các nhóm kiến nghị về hỗ trợ bảo hiểm xã hội, giảm tiền điện và đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng…

Thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh cũng triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Thông qua định kỳ hàng tháng gặp gỡ doanh nghiệp, trong năm 2021 UBND tỉnh tiếp nhận hơn 60 kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và phần nhiều trong số đó được xem xét, giải quyết kịp thời… Cùng thời gian, đơn vị chức năng của địa phương đã phối hợp mở một số khóa đào tạo, hội nghị trực tuyến giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ số, nền tảng số cũng như giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nhờ đó đưa vào áp dụng đem lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, góp phần cắt giảm chi phí trong hoạt động.  

Do ảnh hưởng dịch bệnh, việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trái thanh long là vấn đề luôn được địa phương, sở ngành chức năng quan tâm thực hiện. Theo đó đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Bình Thuận với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021, Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021, Hội thảo xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang Australia. Ngoài ra còn tham gia Hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư với thị trường Nhật Bản - Định hướng xuất khẩu và kết nối doanh nghiệp trong bối cảnh mới, Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU với chủ đề “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”… Cùng với đó là điều chỉnh cắt giảm 3 cuộc thanh tra đối với 27 tổ chức, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại.

Những tháng tới của năm 2022, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch bằng các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ. Tiếp đó cũng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối với Tổ công tác đặc biệt của tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Triển khai tốt công tác cải thiện môi trường đầu tư, tổ chức hội nghị gặp gỡ và đối thoại với nhà đầu tư, chú trọng thu hút đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai các dự án trên địa bàn Bình Thuận, nhất là những dự án lớn, có sức lan tỏa…

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19, UBND tỉnh vừa kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung liên quan. Trong đó có kiến nghị chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan một số tỉnh biên giới làm việc thống nhất với hải quan các nước tại cửa khẩu để khẩn trương thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản (thanh long, các loại trái cây khác…). Từ đó tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh cho xuất khẩu hàng nông sản cũng như có giải pháp tránh ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. Ngoài ra cần quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại với các quốc gia, khu vực trên thế giới nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra thị trường quốc tế…

Đ.QUỐC