Tánh Linh: Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản
Kinh tế - Ngày đăng : 08:55, 28/11/2017
Nuôi cá trên hồ Biển Lạc, Tánh Linh. Ảnh: Đ.H |
Với mục tiêu trong năm 2017, huyện Tánh Linh sẽ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 500 ha. Trong đó ao, bàu 150 ha (tại xã Đức Phú 4 ha, Nghị Đức 13 ha, Đức Tân 9,5 ha, Bắc Ruộng 5,5 ha, Huy Khiêm 8 ha, Đồng Kho 26 ha, Đức Bình 3 ha, Đức Thuận 1 ha, Lạc Tánh 28 ha, Gia Huynh 2 ha, Gia An 50 ha); cho thuê mặt nước hồ Biển Lạc nuôi cá 350 ha.
Nếu nói về nuôi trồng thủy sản, thì Gia An là địa phương trọng điểm. Tuy nhiên trong những năm qua, công tác quản lý nguồn lợi thủy sản trên hồ Biển Lạc, xã Gia An chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng khai thác, đánh bắt mang tính hủy diệt xảy ra làm cạn kiệt, còn có nguy cơ ô nhiễm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở các rẫy cao su lân cận; chất thải, rác thải công nghiệp; khai thác cát trái phép… gây ảnh hưởng đến môi trường sống của quần thể thủy sản là khá lớn. Với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản bản địa gắn với nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học.
Phòng Kinh tế Tánh Linh đã xây dựng 3 mô hình nuôi lồng bè cá thát lát tại hồ Biển Lạc, xã Gia An với thể tích 60 m3; nuôi cá lóc tại lòng hồ thủy lợi Tà Pao, xã Đồng Kho với thể tích 80 m3; nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Đồng Kho và xã Đức Tân với diện tích 1,5 ha. Còn nhớ, năm 2016 với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt 500 ha, trong đó diện tích nuôi ao, bàu tại vườn nhà và một số diện tích cải tạo ao bàu hoang hóa 150 ha. Diện tích thả nuôi kết hợp khai thác tại hồ Biển Lạc 350 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng, đánh bắt: 2.400 tấn/năm, sản lượng nuôi thủy sản đạt 2.050 tấn, sản lượng khai thác đạt 350 tấn.
Một thuận lợi của Tánh Linh, khi tận dụng tiềm năng về diện tích ao, bàu sẵn có và diện tích mặt nước hồ Biển Lạc, sông La Ngà đã tạo tiền đề cho phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt tại địa phương được duy trì ổn định và phát triển bền vững, tăng năng suất, chất lượng đầu ra phù hợp với định hướng phát triển tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Chính nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động lúc nông nhàn, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Điều đáng ghi nhận, nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại địa phương chủ yếu theo hình thức quảng canh, nuôi trồng với quy mô nhỏ không sử dụng hóa chất xử lý trong quá trình nuôi, do đó tạo môi trường nuôi bền vững, thân thiện và sản phẩm đảm bảo chất lượng không tồn dư hóa chất.
Tuy nhiên, khó khăn khi nguồn hỗ trợ vốn trong đầu tư phát triển thủy sản nước ngọt dành cho địa phương của các cấp còn hạn chế, chưa tạo được bước đột phá. Nguồn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt chưa chủ động, còn phụ thuộc từ bên ngoài và chọn lọc đánh bắt tự nhiên để thả nuôi, do đó tăng nguy cơ dịch bệnh, rủi ro trong quá trình nuôi cao, chất lượng con giống không đảm bảo làm giảm chất lượng đầu ra sản phẩm.
Quang Nhân