Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Kinh tế - Ngày đăng : 15:50, 16/02/2022
Trong đó đặt mục tiêu năm nay sẽ đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng khoảng 9%, đồng thời phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế nơi đây vào hệ thống phân phối trong lẫn ngoài nước.
Kế hoạch của ngành Công Thương địa phương cũng tập trung phát triển sản phẩm, hàng hóa ở các khu vực này đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo…
Được biết từ nay đến hết năm 2022, kế hoạch sẽ triển khai tại một số huyện trên địa bàn tỉnh (trong đó có huyện đảo Phú Quý) với nội dung chính như xây dựng mô hình phát triển những mặt hàng tiềm năng lợi thế. Tiếp nữa là tổ chức các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển mặt hàng tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ngoài ra còn phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo và tăng cường thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại nơi đây.
Việc triển khai thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên lĩnh vực ngành Công Thương cũng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn Bình Thuận…
Bán hàng lưu động phục vụ bà con miền núi trên địa bàn huyện Tuy Phong (Ảnh tư liệu).