Phan Thiết: Chuyển đổi số để phát triển toàn diện
Xã hội - Ngày đăng : 06:07, 21/02/2022
Tạo nền tảng CĐS
Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết: Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, tuy nhiên kinh tế phát triển không đạt như kỳ vọng; nguồn lực cho đầu tư phát triển đã phải chi cho công tác chống dịch. Chính vì vậy, bước sang năm 2022, TP. Phan Thiết phải nỗ lực nhiều hơn, triển khai công việc quyết liệt hơn, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế nhanh hơn để bù đắp khối lượng công việc của năm 2021. Có như vậy mới không bị chậm lại phía sau, mới đảm bảo đạt được mục tiêu tổng quát của Đảng bộ thành phố trong năm 2022 và trong cả nhiệm kỳ, mà cụ thể là: Xây dựng thành phố thực sự xứng tầm là “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh”; là trung tâm du lịch, thể thao trọng điểm của tỉnh.
Triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại TP. Phan Thiết đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của thành phố là phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trên tinh thần: “Đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP. Phan Thiết là một trong những địa phương trung tâm, đặc sắc của tỉnh Bình Thuận trên các lĩnh vực. Thực hiện đạt hiệu quả theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đảm bảo phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Phan Thiết lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Để đạt mục tiêu trên, TP. Phan Thiết sẽ bước đầu tạo nền tảng CĐS mà trước tiên là chuyển đổi từ nhận thức. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cam kết đổi mới, cho phép thử nghiệm cái mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, liên kết các thành phần khác nhau theo mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương. Tiếp đến là triển khai đầy đủ các chính sách của tỉnh, đồng thời huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội để CĐS theo hướng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho CĐS. Đặc biệt, TP. Phan Thiết sẽ chú trọng phát triển nền tảng số thông qua việc xây dựng các nền tảng để phục vụ giao dịch điện tử giữa người dân với cơ quan nhà nước và các giao dịch điện tử dân sự khác một cách dễ dàng, đơn giản, tiện lợi.
4 lĩnh vực ưu tiên
Theo ông Tân, để triển khai kế hoạch CĐS, TP. Phan Thiết sẽ ưu tiên CĐS trên 4 lĩnh vực là quản lý đô thị, giáo dục, y tế và tài nguyên môi trường. Theo đó, trên lĩnh vực quản lý đô thị, TP. Phan Thiết đang phối hợp triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2019 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đối với giáo dục, Phan Thiết sẽ phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Về y tế, quan tâm phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số… “Một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển chuyển đổi số quan trong nhất là phối hợp, triển khai đưa các thủ tục mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Song song, chuẩn hóa, điện tử quy trình nghiệp xụ, quy trình xử lý hồ sơ, biểu mẫu, báo cáo lên môi trường mạng, thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ điện tử hồ sơ công việc của các cơ quan theo quy định” – ông Tân cho biết.
TP. Phan Thiết có khát vọng thực hiện nhanh, hiệu quả trong chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh; nâng cao chất lượng sống người dân, vì hạnh phúc nhân dân. Với tinh thần đó, hơn lúc nào hết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần cam kết đổi mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy sáng tạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; thúc đẩy đổi mới phương thức quản lý. Chỉ có như vậy, TP. Phan Thiết mới có thể thực hiện nhanh, đột phá trong chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.