Vì sao tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp?

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:18, 21/02/2022

Mặc dù trường học các cấp đã mở cửa, nhưng số trẻ mầm non đến trường vào tuần đầu tiên tương đối thấp.
co-tro-l-.jpg
Cô trò Trường mẫu giáo Tiến Lợi, Phan Thiết trong ngày đầu học tập trung. Ảnh: N.Lân

Sĩ số thấp

Ghi nhận tại Trường mẫu giáo Tiến Lợi (Phan Thiết), giáo viên đón trẻ ngay tại cổng trường theo phân luồng. Tiếp đó là đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho từng trẻ trước khi vào lớp học. Các lớp mầm, chồi, lá có sĩ số trẻ đến lớp chỉ ở mức 40 - 50% trong ngày đầu tiên đến trường sau thời gian dài không học trực tiếp để phòng tránh dịch Covid-19.

Được biết, tại Phan Thiết, La Gi ngày đầu tiên, trẻ mầm non trở lại trường học đạt tỷ lệ dưới 50%. Các trường đều tổ chức học 1 buổi trong 2 tuần đầu từ 14 - 25/2/2022. Tương tự, trẻ mầm non ở Tánh Linh, Đức Linh khoảng 50% đến lớp. Vào những ngày sau đó, tỷ lệ đến lớp có sự cải thiện dần, nhưng không cao. Các trường mầm non ở Tánh Linh, Đức Linh tổ chức học 2 buổi/ ngày, không tổ chức bán trú. Riêng Phòng giáo dục & đào tạo huyện Đức Linh đang xin ý kiến UBND huyện tuần sau dạy bán trú vào ngày 21/2.

Một số phụ huynh chia sẻ: Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin. Khi nhiễm Covid-19, trẻ sẽ có khả năng lây cho người lớn trong gia đình, đặc biệt nhà có người già. Đó là một sự dè dặt! Tuy nhiên, nhà trường tổ chức bán trú, phụ huynh cũng sẵn sàng đưa trẻ đến trường. Hiện nay, phụ huynh chưa thể đưa đón con của mình vào giữa buổi khi trẻ học 1 buổi/ngày, 2 buổi/ngày. Tạm thời trẻ được gửi cho ông bà. Phụ huynh khác đang cố gắng xoay xở bằng mọi cách cho trẻ đến trường trong 2 tuần đầu và mong mỏi nhà trường tổ chức bán trú vào tuần thứ 3.

Sẵn sàng tổ chức bán trú

Theo chuyên gia tâm lý, môi trường giáo dục giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần. Nếu trẻ không đến trường trong thời gian quá dài, thì các thói quen, hoạt động, sức khỏe của trẻ bị xáo trộn. Chẳng hạn, trẻ không đến trường - ở nhà tiếp xúc nhiều với điện thoại, ti vi, ít giao tiếp với bạn. Thời gian ăn uống, nghỉ ngơi cũng không đúng giờ giấc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe trẻ. Còn trẻ đến trường, mọi hoạt động, ăn uống, ngủ nghỉ đều theo giờ giấc. Đặc biệt là trẻ có sự giao tiếp, tương tác với bạn, với thầy cô. Thích ứng dịch bệnh trong tình hình mới, phụ huynh cố gắng sắp xếp đưa trẻ đến trường sớm.

Để chuẩn bị tổ chức bán trú cho trẻ mầm non, các trường thường xuyên vệ sinh trường lớp, thiết bị dạy học, đồ chơi của trẻ, các bề mặt tiếp xúc…; tuyên truyền vận động các bậc phụ huynh an tâm đưa con đến trường; cũng như hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh đến từng phụ huynh thông qua zalo; bố trí dự phòng khu cách ly khi có ca nghi nhiễm Covid-19. các trường phân luồng đón trẻ ở cổng trường, đo thân nhiệt, rửa tay trước khi vào lớp. Hạn chế cho trẻ chơi lăn ra sàn, hướng dẫn trẻ có thói quen không đưa tay lên mắt, mũi, miệng; thường xuyên trao đổi phụ huynh để nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ.

Thầy Lữ Duy Minh - Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã La Gi cho biết: Không may có trẻ bị nhiễm Covid-19, giáo viên báo ngay Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở trường và cho trẻ cách ly tạm thời tại phòng. Tiếp đó báo phụ huynh trẻ, báo cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ y tế kịp thời, xác định F1 trong lớp. Tiến hành thông báo F1 cách ly theo quy định, khử khuẩn lớp học. Các lớp khác vẫn học bình thường… Thêm vào đó, đón và trả trẻ tại cổng trường được phân thời gian theo từng độ tuổi, không để tình trạng quá đông phụ huynh và trẻ trước cổng vừa gây ùn tắc giao thông vừa không đảm bảo phòng, chống dịch.

Trang Minh