Mới lạ từ sản phẩm tương thanh long

Kinh tế - Ngày đăng : 08:16, 23/02/2022

Trái thanh long tươi hiện nay đang gặp khó khăn về đầu ra. Do đó đa dạng hóa các sản phẩm từ loại trái cây này là một trong những hướng đi cần thiết. Làm tương từ trái thanh long là một trong những ý tưởng mới lạ, độc đáo và đã ứng dụng vào thực tế của bà Hồ Thị Bạch Hoàng – Giám đốc HTX Thanh long Hàm Kiệm (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam).
hinh-ba-hoang-3.jpg
Bà Hồ Thị Bạch Hoàng được trao tặng giải nhất tại cuộc thi.

Cuối năm 2021, tại cuộc thi “Khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 – 2021” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, sáng kiến sản phẩm tương làm từ trái thanh long được chọn trao giải nhất.

Là “cha đẻ” của sáng kiến này, bà Hồ Thị Bạch Hoàng, sinh năm 1955, Giám đốc HTX Thanh long Hàm Kiệm cho biết: Trong một lần ra Hà Nội, bà đã đến thăm một cơ sở sản xuất tương bần. Nhìn họ làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng đã chế biến ra loại tương rất ngon. Bà đã suy nghĩ, Bình Thuận là vùng đất thanh long, trái thanh long lại có nguồn dinh dưỡng cao, nếu được chế biến thành tương sẽ là thực phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Mặt khác, tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp khiến cho việc xuất khẩu trái thanh long tươi gặp khó, tiêu thụ rất chậm. Vì vậy, nếu sản phẩm tương thanh long ra đời được thị trường chấp nhận sẽ phần nào giúp người nông dân giải quyết thêm một phần sản lượng trái tươi, có thêm thu nhập. Những yếu tố đó càng thôi thúc bà quyết tâm hơn trong việc sản xuất tương từ trái thanh long.

hinh-ba-hoang-2.jpg
Sản phẩm tương thanh long đã có mặt trên thị trường.

Ngay sau khi từ Hà Nội trở về, bà Hoàng đã bắt đầu tìm hiểu nhu cầu của thị trường và nhận thấy thời điểm đó, trên thị trường chưa có loại tương này. Vì vậy, bà đã mạnh dạn nghiên cứu công thức chế biến, từ đó sản xuất gửi đến người tiêu dùng một sản phẩm đặc sản của địa phương.

“Tôi tự mày mò tìm hiểu về quy trình ủ tương và áp dụng trên nguyên liệu trái thanh long tươi. Rất nhiều lần thất bại, thế nhưng cứ mỗi lần thất bại, tôi lại rút ra cho mình một kinh nghiệm. Đó là đậu, ngũ cốc lên men chín mới ra tương. Tôi dùng trái thanh long làm nguyên liệu chính thì phải thêm bột bắp, bột đậu nành mới lên men được. Kinh nghiệm đó đã làm sản phẩm thành công”, bà Hoàng kể.

Bà Hoàng chia sẻ: Đến tháng 5/2021, tương thanh long với 2 loại sản phẩm đỏ và đen có các hương vị như ngọt, mặn, chua cay đã ra đời và được thị trường chào đón. Tuy nhiên, để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn.

“Thời điểm lúc bấy giờ, do dịch bệnh nên các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng hầu như đóng băng. Còn các quán ăn nhỏ lẻ chủ yếu đã quen với các sản phẩm tương truyền thống, giá thành thấp. Vì vậy, rất ít chủ tiệm ăn nâng giá một tô phở hay tô hủ tiếu ăn kèm với tương thanh long. Do đó, lúc đầu vì quen biết thì họ ủng hộ, nhưng sau đó thì trở lại với sản phẩm tương truyền thống, có giá thành thấp. Song, không vì thế mà làm tôi nản lòng, bởi với tôi tạo dựng được sản phẩm mới từ nguyên liệu chính của địa phương đã cho tôi động lực để tiếp tục cuộc hành trình”, bà Hoàng nói.

Hiện tại, bà Hoàng đang bán sỉ tương thanh long với giá 7.000 đồng/chai 270ml loại tương đỏ và 6.000 đồng/chai 270ml loại tương đen. Bà cũng đang đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, đồng thời tạo dựng đội ngũ marketing để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm.

Được biết, làm tương từ thanh long không phải là sản phẩm đầu tiên của bà Hồ Thị Bạch Hoàng với trái thanh long. Trước đó, bà từng làm các loại bánh mứt thanh long, siro thanh long, búp thanh long muối, rượu thanh long… Trong đó, sản phẩm mứt thanh long và siro thanh long của bà cũng đã vinh dự là 1 trong 38 sản phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm “Phụ nữ sáng tạo” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2013.

Có thể nói, trong thời điểm xuất khẩu thanh long gặp khó khăn, những sản phẩm mới ra đời từ thanh long sẽ khơi dậy tiềm năng trong lĩnh vực chế biến. Từ đó góp phần nâng cao giá trị trái cây đặc sản của Bình Thuận, giúp người nông dân nâng cao thu nhập.

Bảo Ngọc