“Mở đường” vào thị trường Ấn Độ
Kinh tế - Ngày đăng : 05:29, 24/02/2022
Hỗ trợ doanh nghiệp “mở đường”
Trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đã được Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp Bộ Công Thương và sở chức năng các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Đến giữa tháng 2/2022, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp các bên liên quan tiếp tục triển khai chuỗi sự kiện giới thiệu, xúc tiến thương mại - đầu tư tại thị trường này. Theo đó, chương trình đầu tiên trong chuỗi sự kiện có chủ đề “Quy định và thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh tại Ấn Độ” được trực tuyến trên nền tảng Zoom. Mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nắm rõ hơn về một số vấn đề như môi trường kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, những điều cần biết trước khi thành lập doanh nghiệp liên doanh hoặc thủ tục đăng ký doanh nghiệp liên doanh tại Ấn Độ.
Còn mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tiếp tục tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hướng dẫn quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Ấn Độ” nhằm giải đáp những nội dung mà doanh nghiệp quan tâm. Như vì sao doanh nghiệp Việt Nam phải có hiện diện tại Ấn Độ, các bước cụ thể để thành lập một loại hình doanh nghiệp nhất định tại đây. Hoặc các vấn đề cần lưu ý, những loại giấy phép cần thiết mà doanh nghiệp phải chuẩn bị để cung cấp cho cơ quan chức năng Ấn Độ, cách đăng ký mã số thuế và mã số doanh nghiệp…
Thực tế cho thấy, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ lần đầu vượt 13 tỷ USD trong năm 2021, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông)… Dù vậy, kết quả vừa nêu vẫn chưa tương xứng tiềm năng và kỳ vọng của 2 nước, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là thiếu sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này. Thêm nữa, nếu không có sự hiện diện tại Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam thường khó tìm kiếm được đối tác lớn, uy tín và thường bị thua thiệt trong trường hợp tranh chấp thương mại.
Kỳ vọng thanh long Bình Thuận
Ấn Độ là thị trường có nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn, hơn nữa thanh long nằm trong top 10 trái cây tươi được tiêu thụ nhiều ở quốc gia gần 1,4 tỷ dân và có mức tăng trưởng 27% hàng năm. Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, quốc gia Nam Á này nhập khẩu 95% nhu cầu về thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Với dân số đông và nhu cầu tiêu dùng rau quả, trái cây khoảng 48 triệu tấn/năm, đây thực sự là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho thanh long Việt Nam nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng trong thời gian tới...
Trước tình hình xuất khẩu gặp khó khăn ở các cửa khẩu phía Bắc, các đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu thanh long trên địa bàn Bình Thuận cũng rất quan tâm đến thị trường Ấn Độ. Vì thế tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ vừa qua, Sở Công Thương ghi nhận ngoài Hiệp hội Thanh long còn có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia. Đó là: Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, Công ty TNHH Sơn Trà, Công ty TNHH Sơn Thủy, Công ty TNHH Nước ép Thanh long Phúc Hà, Liên hiệp HTX DVSX Thanh long Bình Thuận, HTX Thanh long Thanh Bình, HTX Thanh long Hữu cơ Phú Hội, HTX Thanh long sạch Hòa Lệ... Đối với các chương trình về hướng dẫn thành lập doanh nghiệp liên doanh tại Ấn Độ cũng được sở chức năng kịp thời thông tin, vận động doanh nghiệp, HTX tích cực tham gia, tìm hiểu những nội dung liên quan.
Kỳ vọng sản phẩm thanh long có thể tiên phong “mở đường” vào thị trường tiềm năng, Sở Công Thương cũng đã có công văn về việc tiếp tục triển khai kết nối giao thương thanh long Bình Thuận với các đối tác Ấn Độ và Việt Nam. Theo đó đề nghị các bên liên quan phối hợp thông báo đến doanh nghiệp, HTX về danh sách nhà thu mua, nhập khẩu, phân phối thanh long tại Ấn Độ. Từ đó giúp doanh nghiệp, HTX hoạt động trên địa bàn tỉnh nắm bắt thông tin, tiếp tục liên hệ trao đổi, đàm phán, thương thảo tiến tới ký kết hợp đồng để mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Thương vụ Ấn Độ theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp, HTX nhằm giúp doanh nghiệp bên thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long Bình Thuận tại thị trường Ấn Độ…
Từ năm 2014, thanh long Việt Nam chính thức được nhập khẩu vào Ấn Độ và đến nay, kim ngạch nhập khẩu thanh long của Ấn Độ vẫn tăng trưởng khá đều đặn. Với dung lượng của thị trường Ấn Độ và khả năng của Việt Nam, hy vọng trong thời gian tới kim ngạch xuất khẩu thanh long của nước ta sang quốc gia Nam Á này sẽ đạt 50 triệu USD/năm, thay vì 10 triệu USD như hiện nay…