Ngành Thuế Bình Thuận: Một năm chủ động vượt khó

Kinh tế - Ngày đăng : 09:41, 24/02/2022

Những ngày này, ngành thuế Bình Thuận thu NSNN năm 2021 ước đạt: 11.669 tỷ đồng (có dầu), bằng 171,1% dự toán năm, tăng 19,63% so cùng kỳ…
thue-tinh-2-.jpg

Vài phân tích

Trong đó, ngành trực tiếp thu: 10.119 tỷ đồng, bằng 168,09% so với dự toán, tăng 17,77% cùng kỳ. Các địa phương thu cao là: Hàm Thuận Bắc: 494 tỷ đồng, đạt 214,68% dự toán; Tuy Phong: 318 tỷ đồng, đạt 170,71%; Phan Thiết: 1837 tỷ đồng, đạt 178,33%... Khu vực sản xuất - kinh doanh đóng góp tích cực trong số thu năm 2021. Theo đó, Doanh nghiệp Nhà nước ước thu: 1.521 tỷ đồng; Doanh nghiệp có vốn ĐTNN ước thu 1380 tỷ đồng, đạt 209,6%, tăng 25,5% so cùng kỳ. Kinh tế ngoài quốc doanh, ước thu: 1.860 tỷ đồng, đạt 215,7% dự toán.

Năm 2021 là năm mà nửa năm đầu thuận lợi, nửa sau khó khăn do dịch Covid-19. Con đường về đích của ngành Thuế chông gai nhiều hơn mọi năm!

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trần Thị Diệu Hoàng nói: “Công tác điều hành thu ngân sách gần như là mặt trận, trong đó có sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Thuế tỉnh là đơn vị chủ lực. Ngoài ra, là sự phối hợp của nhiều ban ngành hữu quan, các địa phương để thu ngân sách năm 2021”.

Năm 2021, những tháng đầu năm kinh tế tỉnh tăng trưởng khá. Các công trình về hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, góp phần vào nguồn thu. Ngành cũng tích cực thu, xử lý nợ đọng và các khoản thu đã hết gia hạn. Cơ cấu sản xuất công nghiệp trong nửa đầu năm cho thấy sự tăng dần. Thị trường bất động sản và chứng khoán tăng trưởng nóng, đóng góp vào nguồn thu nhiều hơn…  Từ tháng 7/2021, những yếu tố thuận lợi không còn. Dịch Covid-19 lây lan làm sản xuất - kinh doanh ngưng trệ. Mức tăng trưởng được dự báo 2,75% thay vì 7% như đầu năm. Thời điểm này, ngành Thuế thực hiện một số Nghị định và Nghị quyết Chính phủ, Quốc hội, mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đó là các Nghị định 44/NĐ-CP về chi phí được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp; NĐ 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị định 92/2021/NĐ-CP hỗ trợ doanh nghiệp làm giảm số thu NSNN. Đây là ngoài dự tính trước đó của ngành và của tỉnh.

thue-tinh.jpg

Vượt khó

Tuy nhiên, lúc gian nan không có nghĩa là ngành Thuế tỉnh chấp nhận bị động. Lãnh đạo ngành họp với các Chi cục Thuế, thống nhất thay đổi phương thức hoạt động; ứng phó linh hoạt trong tình hình dịch. Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, của cấp trên, ngành Thuế chủ động phối hợp với các ngành liên quan, tạo sức mạnh tổng hợp; khai thác hiệu quả các nguồn thu, chống thất thu. Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhằm hỗ trợ, duy trì sản xuất trong tình hình dịch lây lan. Với những dự án hạ tầng đã triển khai thì tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, qua đó bảo đảm nguồn thu.

Với các đối tượng chịu thuế, ngành tập trung tuyên truyền, phổ biến các nghị định nói trên. Cụ thể, phổ biến nội dung Nghị định 52/CP trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang Web, các trang chuyên đề Thuế... Nhờ đa dạng hình thức phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách thuế mới nên người nộp thuế (NNT) nắm bắt, cập nhật các thông tin chế độ, chính sách thuế mới một cách kịp thời.

Sự hài lòng của NNT cũng là thước đo đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ ngành thuế; động lực trong công tác cải cách của ngành. Để làm được việc đó, khâu đối thoại, tạo đồng thuận, xóa bỏ vướng mắc, rào cản, làm yên lòng NNT là biện pháp quan trọng… Trong 3 hội nghị - đối thoại tổ chức trong năm (1.202 doanh nghiệp tham gia) thì Hội nghị - Đối thoại trực tuyến được tổ chức quy mô lớn, cập nhật Quy định mới về Luật Quản lý thuế; các Nghị định 123, 125, 126, Thông tư 40, Thông tư 78; chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về gói giải pháp về thuế hỗ trợ các DN, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ngành Thuế tỉnh mời Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cùng tham gia tổ chức vào ngày 26/10/2021 với hình thức trực tuyến. Có khá nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề tham dự, đề nghị giải đáp các câu hỏi về thuế. Đơn cử, Công ty Nakagawa hỏi: “Trong thời gian dịch, thực hiện 3 tại chỗ, các chi phí: ăn uống, dụng cụ sinh hoạt… được tính thế nào? Tiền thuế GTGT có được khấu trừ toàn bộ?”. Khách sạn Bình Minh kiến nghị: “Chính phủ cần tăng tỷ lệ giảm tiền thuê đất năm 2021, thay vì là 30% như trong tinh thần Quyết định 27/2021/QĐ-TTg”. Nói về Hội nghị - Đối thoại trực tuyến trên, bà Trần Thị Diệu Hoàng, cho hay: “Sau hội nghị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng khi các thắc mắc được giải đáp cụ thể, rõ ràng”. Ngoài ra, trong năm ngành còn tổ chức 11 đợt tập huấn về thuế, với 1.812 tổ chức, cá nhân tham dự.

Hướng tới năm 2022

Những ngày đầu năm 2022 đã bắt đầu. Trong khi toàn tỉnh đang ứng phó một cách linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Chưa đoán được tình hình sản xuất - kinh doanh năm 2022 thế nào, còn bao dư chấn do dịch gây ra… Song ngành Thuế Bình Thuận xác định để hoàn thành chỉ tiêu thu 8.188 tỷ đồng NSNN năm 2022, trong đó thu nội địa: 7.188 tỷ đồng, dầu thô 1.000 tỷ đồng; giảm tỷ lệ nợ đọng dưới 5% tổng thu NSNN… cần bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và của cấp trên. Ngay từ đầu năm, các phòng, ban nghiệp vụ, các chi cục thuế phải coi hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN là nhiệm vụ chính trị. Dự báo sát tình hình sản xuất - kinh doanh và các nguồn thu… để có những biện pháp thu phù hợp… tiến độ thu từng tháng, quý cần theo dõi sát sao. Có sự bàn bạc thảo luận tìm giải pháp tối ưu trong điều hành thu. Thi đua là một trong những biện pháp thực hiện trong năm. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; khuyến khích các nhà đầu tư yên tâm sản xuất. Quỹ đất từ lâu là nguồn thu tiềm năng, cần tập trung tháo gỡ những trở ngại trong giải phóng mặt bằng và khai thác quỹ đất. Tiếp tục hoàn thiện giá đất sát giá thị trường để góp phần tăng thu NSNN.

Năm 2022 còn đầy thách thức, nhưng toàn ngành Thuế Bình Thuận vẫn tin là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Uyên Thư