Có những hy sinh… khó nói hết bằng lời
Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 25/02/2022
Lắm gian nan
Ròng rã 4 đợt dịch Covid-19 kéo dài 3 năm với các biến chủng khác nhau. Trong đó, đợt dịch thứ 4 là đợt dịch gian nan nhất và kéo dài nhất như chưa từng có trong tiền lệ. Với loại biến chủng Delta lây nhanh làm số người mắc tăng cao, nhiều bệnh nặng, khả năng tử vong cao hơn 132 - 234% so với chủng cũ. Bởi tốc độ lây lan nhanh, số ca mắc mới Covid-19 liên tục được ghi nhận ở 10 huyện, thị thành phố trong tỉnh. Và đây cũng là bệnh mới, chưa có vắc xin phòng ngừa. Trước tình hình dịch bệnh bùng phát với hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày, bằng trái tim nhiệt huyết, lực lượng y, bác sĩ sẵn sàng xông pha ra tuyến đầu chống dịch. Trong đêm khuya vắng lặng, tất cả mọi người chìm vào giấc ngủ. Ấy vậy mà, các y, bác sĩ vẫn miệt mài, thức trắng đêm đến từng nhà trong những ngõ nhỏ sâu hun hút để truy vết thần tốc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; đẩy nhanh công xuất xét nghiệm từ vài trăm mẫu đơn lên đến 5.000 mẫu gộp/ngày (tương ứng 50.000 mẫu đơn), tiếp nhận điều trị bệnh nhân hàng trăm ca Covid-19 mỗi ngày, với mục tiêu không chế dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe từng người dân.
Riêng đợt dịch thứ 4 tính đến nay, Bình Thuận ghi nhận 31.027 ca mắc Covid-19, thì có 29.806 ca được điều trị khỏi bệnh và 824 ca đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế. Với kết quả tốt này, các y, bác sĩ phải trực tiếp ở tuyến đầu, không có ai thay thế được để chăm sóc F0, tránh lây cho cộng đồng. Dịch bệnh hoành hành, thì người thầy thuốc nén lại tất cả tình cảm riêng tư, sẵn sàng có mặt tại các tâm dịch để chăm sóc từng bệnh nhân. Chính vì dịch kéo dài, nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế không về nhà được mà tạm gác lại mọi công việc của gia đình, tập trung vào công việc chống dịch. Có chị phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang mẹ... Đến lúc về thăm gia đình, các thầy thuốc không dám gần con vì sợ lây bệnh cho con, phải đeo khẩu trang, đứng khoảng cách xa nói chuyện dẫu rất muốn ôm con vào lòng sau nhiều tháng không gặp.
Luôn sẵn sàng vì người dân
Bên cạnh đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, toàn ngành y tế tỉnh phải duy trì công tác cấp cứu, khám, điều trị các bệnh khác hàng ngày. Các bệnh viện, trung tâm y tế, phân luồng phòng lây nhiễm Covid-19 trong cấp cứu, khám và điều trị bệnh nhân; sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly, thành lập các đội đáp ứng nhanh hỗ trợ điều trị cho tuyến dưới, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ, thuốc, hóa chất phòng chống dịch.
Cùng với đó, ngành y tế đảm bảo an toàn thực phẩm trước, sau Tết Nguyên đán, giải quyết đúng hạn thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Thực hiện lấy mẫu giám sát có nguy cơ, kịp thời cảnh báo đến người tiêu dùng được biết. Năm 2021, 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại Phan Thiết do ăn ốc biển ốc bùn xoắn và ốc bùn bóng với 5 người ăn và 3 người nhập viện, không có tử vong. Tỷ lệ ca ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là 0,23 - dưới mức chỉ tiêu đề ra ban đầu (8 ca/100.000 dân).
Nhìn chung, các cơ sở điều trị kịp thời triển khai kế hoạch, nhiệm vụ. Các chỉ số hoạt động phần lớn đều đạt so kế hoạch đề ra và so với cùng kỳ. Đó là kiểm soát có hiệu quả các dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, không để các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát và diễn ra trên diện rộng. Chú trọng vệ sinh môi trường, tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, chuyển trọng tâm từ dân số-kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Tăng cường các hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe với nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng vùng nhằm nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân.
Để phát huy những kết quả đạt được cũng như đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh, ngành y tế Bình Thuận xây dựng cụ thể các kế hoạch như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực hệ thống y tế dự phòng. Tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho y tế tuyến xã, huyện; trong đó quan tâm các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã xây dựng nông thôn mới; ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới y tế ngoài công lập, ưu tiên các cơ sở chuyên môn kỹ thuật cao.
Với những khó khăn gian lao vừa chống dịch dài ngày vừa điều trị các bệnh khác, các thầy thuốc vẫn luôn nở nụ cười, mỗi khi có thêm ca bệnh hồi phục và xuất viện. Cung bậc của cảm xúc và niềm hạnh phúc hân hoan hơn đến với các thầy thuốc, khi số ca mắc mới Covid-19 giảm dần, dịch bệnh được kiểm soát; tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vắc xin mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 99,25%, mũi 3 đạt 38,6%. Số trẻ 12 - 17 tuổi tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 100%, mũi 2 đạt tỷ lệ 94,6%.
Những lúc cao điểm của dịch Covid-19 đi qua, có lẽ rằng chúng ta khó quên được những lúc khó khăn ấy, càng không thể nào quên được sự ân tình, nghĩa đồng bào mà những người thầy thuốc xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch. Hay nói cách khác, là các thầy thuốc thầm lặng hy sinh, cống hiến tất cả quên cả bản thân mình trong suốt các đợt dịch Covid-19 mang lại cuộc sống bình thường mới cho mọi người dân được bình an.