Một gia đình “mở đường” ở Hòa Thắng

Xã hội - Ngày đăng : 07:25, 25/02/2022

Hòa Thắng - điểm đến ngày càng thu hút khách. Trên “con đường tiểu Dubai” có những chiếc xe dịch vụ giải khát màu vàng được trang trí rất ấn tượng. Nhiều người dừng lại thưởng thức ly nước mát và chụp vài tấm ảnh bên chiếc xe ấy làm kỷ niệm. Nhưng ít ai biết đằng sau đó là một câu chuyện “mở đường” rất thú vị từ đời cha đến đời con của vùng đất này.
mo-duong-1-.jpg
Chị Hồng chủ nhân “Xe vàng Bàu Trắng” đưa tay vẫy chào khách.

Cha độ xe chở khách trên cát

Ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), vốn có phương tiện, ông Bảo đưa những người dân vì chiến tranh, vì cuộc kháng chiến phải dồn nơi ở trở về mảnh đất máu thịt của mình. Dù ngày ấy, các thôn Hồng Lâm, Hồng Thắng chỉ có những cánh rừng thấp, cát và biển nhưng ông nghĩ: “Hòa bình rồi về quê làm ăn thôi!”.  

Như một ốc đảo giữa sa mạc, Hòa Thắng muốn đến được những nơi gần nhất để có thể buôn bán, trao đổi hàng hóa, công cụ, phương tiện sản xuất là thị trấn Lương Sơn và thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) phải lội rừng trên cả chục cây số. Mà đường chỉ toàn cát được tạo nên bởi những bước chân người.

Có gì đi nấy, vốn có xe REO – một loại xe chuyên dụng chở gỗ rừng của hãng GMC Hoa Kỳ, ông Bảo dùng nó để vận tải hành khách và nông - lâm sản Hòa Thắng ra chợ “huyện”. Ông cho biết, ở đây vốn là vùng đất cát, khan hiếm những cơn mưa, nên cây trồng ở đây cho trái rất thơm và ngọt. Đu đủ và các loại đậu, mè, chưa kể các loại lâm sản mà điển hình là trái ma dương (còn gọi me dương) nếu đưa về chợ thị trấn Phan Rí Cửa bán rất có giá. Bà con gánh trên vai vượt bao đồi cát để đến được nơi bán là trần ai. “Nên tôi mới dùng xe REO để chở. Tuy nhiên nói vậy không phải đơn giản. Cát lún, dù là xe chuyên đi rừng cũng khó vượt. Cái khó ló cái khôn. Chỗ nào lún quá, tôi dùng 2 vỉ sắt sân bay quân đội thả trước 2 bánh xe, cứ vậy từ từ, cố nhẫn nại mà vượt qua”, ông Bảo nhớ lại.

Dù nông – lâm sản bán được nhưng cũng chỉ giúp bà con cải thiện đời sống. “Mình không thể thu tiền xe cao được”, ông Bảo kể: “Mà loại REO thì “uống” nhiên liệu như trâu uống nước sau khi cày! Không đủ bù chi phí, tôi phải nghĩ cách khác”.

Năm 1996, từ lời giới thiệu của giới vận tải, ông Bảo ra tận Huế mang theo 50 triệu đồng (khoảng hơn 16 cây vàng 9999) để mua một chiếc Zin 3 cầu cũ (xe tải của Liên Xô) – loại xe rất khỏe. “Nhưng cuối cùng tôi cũng thua, chưa thể giải được bài toán kinh tế; thu không đủ bù chi do Zin cũng ngốn xăng dữ quá”, ông Bảo thừa nhận. Nhưng không lẽ chịu bó tay? Thua cách này thì mày mò cách khác. Sau nhiều ngày vắt óc, bên tách trà nóng một sớm mai, ông nhìn ra đồi cát, nơi có những nông dân đang cày ruộng bằng máy cày. Đúng rồi! Chỉ có máy cày. Máy cày đi trên cát dễ dàng hơn những loại xe khác.

Một cuộc trải nghiệm mới lại bắt đầu. Lần này, ông Bảo “đốt” hết mình cho một bước đi táo bạo hơn. Ông mua 1 chiếc máy cày hiệu UTB của Rumani về độ lại để chở khách. Ông mày mò tìm mua thiết bị hàn xì, thép về hì hục đóng thêm 2 bên thân máy và phía sau đuôi máy cày thành những nơi mà người có thể ngồi và chứa hàng hóa. Trên đầu lại có mái để che nắng che mưa. “Cứ 3 giờ sáng là tôi khởi hành, đi rước bà con trong xã khoảng 2 giờ đồng hồ, sau đó cứ men theo đường biển mà chạy, vượt 15 cây số thì đến Hòa Phú (Tuy Phong), xuống khách để khách đi đò sang chợ Phan Rí Cửa, chờ họ bán xong rước về. Độ được xe máy cày, tôi bám trụ được với nghề này cho đến khi Hòa Thắng có đường nhựa và xe khách, xe tải đàng hoàng mới thôi”, ông Bảo kể.

mo-duong-3-.jpg
Những chiếc xe REO được ông Bảo dùng để đưa khách và nông – lâm sản Hòa Thắng ra chợ.
mo-duong-2-.jpg
Từ ý tưởng của con, ông Bảo độ xe máy cày thành xe dịch vụ làm du lịch rất lạ mắt.

Con độ xe làm du lịch

Khi xã Hòa Thắng hoàn thành con đường 716 mà dân du lịch ví von là con đường Dubai thì gia đình ông Bảo có bước ngoặt mới. Nguyễn Hữu Sang, một trong những người con của ông nảy ra ý tưởng độ xe máy cày thành xe làm dịch vụ du lịch, cụ thể là những chiếc xe được trang trí bắt mắt để bán nước giải khát và để khách chụp hình kỷ niệm dưới chân đồi cát trắng ven đường 716. “Chiếc xe máy cày được ba tôi độ lại để chở khách đã trở thành một phần ký ức đẹp của tuổi thơ tôi. Tôi không mua xe bus hay xe khách như những người khác mà chọn máy cày là vì lẽ đó. Xe máy cày còn giúp cho hình ảnh dịch vụ của anh em chúng tôi lạ mắt hơn”, anh Sang thổ lộ.

Ở khu vực đồi cát trắng, du khách phát hiện có đến 4 chiếc xe máy cày màu vàng, trên xe được vẽ những hình ảnh ngộ nghĩnh kèm theo địa chỉ quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội với thương hiệu “Xe vàng Bàu Trắng” rất khác biệt. Chính điều đó làm cho du khách trẻ tò mò muốn tận mắt trải nghiệm khi xem qua facebook và rất thỏa mãn khi được chụp những bức ảnh với Xe vàng Bàu Trắng để làm kỷ niệm, để khoe với bạn bè về một chuyến trải nghiệm thú vị. “Giữa một đồi cát trắng như sa mạc lại có con đường lượn quanh và 1 điểm checkin như thế này thật thú vị vô cùng!”, chị Phan Lệ Chi Nguyên (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Nói không ngoa, hầu như bất cứ tour du lịch nào cũng như các bạn trẻ phượt bằng phương tiện cá nhân hiếm khi bỏ qua điểm đến vừa lạ, vừa dễ thương như “Xe vàng Bàu Trắng”. Không dừng lại ở đó, anh Sang đang thực hiện kế hoạch tổ chức các tour dã ngoại với những điểm đến mới, lạ, lý thú ở Hòa Thắng. Người điều hành, kể cả điều khiển xe từ nhà đến điểm làm dịch vụ là Nguyễn Thị Thu Hồng, con gái út ông Nguyễn Hữu Bảo cho biết, cả chị và anh trai là Sang đều tốt nghiệp đại học. Thay vì đi tìm và làm việc ở nơi khác thì chọn khởi nghiệp tại chính quê hương mình. “Hòa Thắng còn nguyên sơ và rất nhiều thắng cảnh. Có một không hai là mũi Yến. Hải sản thì rất ngon. Tôi nghĩ đó là nguồn vốn rất lớn khó nơi nào sánh bằng. Nó là động lực để anh em tôi và người dân ở đây bắt tay vào lĩnh vực mới mẻ này, nhất là giờ đây, Hòa Thắng trở thành tâm điểm của Khu du lịch quốc gia Mũi Né”, chị Hồng tự tin bày tỏ.

“Trên đời làm gì có con đường. Người ta đi mãi cũng thành đường thôi”, đại văn hào Lỗ Tấn từng đúc kết rất đúng với gia đình một lòng bám trụ quê hương này.

ĐIỀN VINH