Đến hết tháng 3/2022:  Khoảng 130.000 tấn thanh long cần được tiêu thụ

Kinh tế - Ngày đăng : 08:06, 26/02/2022

Chiều 25/2, Hiệp hội thanh long Bình Thuận đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và các thành viên hiệp hội.

Ông Võ Huy Hoàng- Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết: Hiện tại thanh long của tỉnh đang tồn ở cửa khẩu và trong kho lạnh của các doanh nghiệp khoảng 30.000 tấn, cần được giải quyết trong vòng 15 ngày. Thêm vào đó, dự kiến sản lượng thu hoạch của nông dân đến hết tháng 3/2022 khoảng 100.000 tấn, cần được tiêu thụ. Do đó, việc tìm đầu ra cho trái thanh long là điều cấp thiết..

hiep-hoi.jpg
Hội nghị tổ chức chiều 25/2

Trong khi đó, thực tế hàng hóa ùn ứ, giá giảm sâu, không chỉ người trồng thanh long mà các vựa thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Lê Thị Thu Hằng, đại diện Công ty thanh long Thu Hằng (Hàm Thuận Nam) cho biết: Hiện chi phí để đưa thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với những năm trước đây. Tuy nhiên thanh long khi vận chuyển tới cửa khẩu thì không thể thông quan khiến trái hư hỏng, doanh nghiệp thua lỗ. Dù doanh nghiệp đã cố “gồng” để thu mua thanh long cho nông dân nhưng đến nay khó có thể gắng sức.

Cùng ý kiến, đại diện Công ty thanh long Thọ Hướng cho rằng: Sau thời gian các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn ngừng tiếp nhận xe lên cửa khẩu (12/2- 15/2), các đơn vị tiếp tục thu mua, đóng hàng để xuất khẩu. Tuy nhiên, các cửa khẩu tiếp tục dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến ngày 5/3. Điều này khiến các doanh nghiệp rơi vào thế “trở tay không kịp”.

z3212002094483_af5e31406deb0b2a6a968e82cea4d435.jpg
Nông dân và lứa thanh long chuẩn bị thu hoạch

Tại hội nghị, các thành viên hiệp hội cũng nêu lên một số khó khăn khác đang phải đối mặt. Đó là hiện nay nhiều đơn vị cùng sử dụng một mã số vùng trồng, mã số đóng gói, mã số kho đã dẫn đến tình trạng một mã hàng bị “dính” Covid- 19 thì tất cả lô hàng đều phải tiêu hủy. Do xuất khẩu đường bộ gặp khó các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu bằng đường biển nhưng cước phí quá cao, tăng bình quân 300- 400% so với trước đây.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thanh long tại Bình Thuận đều mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ tiêu thụ thanh long trong bối cảnh hiện nay như: kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tồn đọng hiện nay. Lực lượng chức năng tại các cửa khẩu tại các địa phương phía Bắc tạo điều kiện tốt nhất cho các xe hàng chờ thông quan… Trước những kiến nghị chính đáng, Hiệp hội thanh long sẽ có tổng hợp, báo cáo và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất thanh long của tỉnh.

K. Hằng