Xây dựng nông thôn mới: Nâng cao đời sống, thu nhập người dân
Kinh tế - Ngày đăng : 05:55, 28/02/2022
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình xây dựng NTM tỉnh năm 2021 vẫn đạt những kết quả tích cực. Toàn tỉnh 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Cụ thể, xã Bình An (Bắc Bình); Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc); Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam); Gia An (Tánh Linh) nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 69/93 xã, đạt 74,2%.
Trong năm 2022, các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Các địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Tổ chức các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giữa kinh tế hộ và doanh nghiệp nâng cao năng suất, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững.
Ghi nhận tại huyện Hàm Thuận Bắc, địa phương có 17 xã, thị trấn, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là lúa và thanh long. Đối với cây lúa có diện tích trên 10.556 ha, giống lúa chủ lực nhiều năm qua nông dân sử dụng là Ma Lâm 48. Do nông dân quen tập quán canh tác cũ, mật độ gieo dày năng suất chất lượng không cao lợi nhuận chừng 13 triệu đồng/ha. Trong vụ hè thu năm 2021, UBND huyện đã tổ chức cho 6 xã Thuận Hòa, Hàm Phú, Thuận Minh, Hồng Liêm, Hồng Sơn và thị trấn Ma Lâm tham gia các buổi hội thảo, đưa một số giống lúa mới OM 5451, OM 18, Đài thơm 8, ST 24, ST 25 vào gieo trồng gắn liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 343,65 ha/274 hộ.
Theo các hộ dân trồng giống lúa mới cho biết, lợi nhuận thu được từ sản xuất giống lúa mới theo quy trình SRI tăng từ 3 - 7 triệu đồng/ha. Với những ưu điểm vượt trội giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất chất lượng, nông dân nhiều xã tăng diện tích lúa mới thêm 200 ha trong vụ mùa 2021 và vụ đông xuân 2021 - 2022 là 1.086 ha. Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cũng như làm tốt khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa để đem lại hiệu quả khi sản xuất đại trà...
Còn theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, đến nay toàn tỉnh duy trì 15.560 ha lúa chất lượng cao tại các huyện Bắc Bình, Tánh Linh. Năm 2021, chương trình xã hội hóa giống lúa thực hiện được 2.740 ha, với hơn 80% diện tích sản xuất lúa đều sử dụng giống lúa xác nhận. Các địa phương chuyển đổi 8.894 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn.
Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh đối với các sản phẩm đạt 3, 4 sao, nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tiếp tục huy động người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM, thường xuyên kiểm tra tháo gỡ khó khăn để nâng chất lượng các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hóa và an ninh trật tự.
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với đó, chú trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Quan tâm xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống…