Thiếu hụt lao động biển trầm trọng
Đời sống - Ngày đăng : 05:54, 02/03/2022
“Đỏ mắt” tìm lao động
Sau chuyến xuất hành đầu năm vào mùng 9 tết, tàu của ngư dân Lê Quốc Anh (P. Đức Thắng – TP. Phan Thiết) lại phải nằm bờ. Ông Anh chia sẻ: “Để đi được chuyến biển “lấy ngày” cũng khó vô cùng vì tìm bạn biển không ra, dù trước tết tôi đã cho lao động ứng tiền, mỗi người vài triệu đồng với hứa hẹn sau tết phải đồng hành. Thay vì chuyến biển 20 lao động, tàu tôi xuất bến chỉ 13 người, nhưng cũng phải đi”. Theo các ngư dân, những chuyến biển đầu năm hầu như không có lãi bởi giá xăng dầu tăng cao, trong khi nguồn hải sản khan hiếm, nhiều chủ tàu vẫn phải chấp nhận chịu lỗ nhằm duy trì việc đánh bắt. Để giữ chân lao động, nhiều chủ tàu phải gửi trước một số tiền cho lao động ăn tết. Thậm chí nhờ người quen ở Bình Định, Quảng Ngãi, miền Tây… tìm kiếm bạn thuyền với giá cao gấp đôi, nhưng nguồn lao động nay rất hiếm.
Anh Trần Văn Thanh (phường Phú Hài) gắn bó với nghề biển hơn 10 năm nay giờ cũng muốn chuyển nghề bờ vì thu nhập bấp bênh, không đủ nuôi vợ con. Anh chia sẻ: “Thông thường tôi đi biển khoảng 10 ngày sẽ được chia 4 – 5 triệu đồng. Nhưng năm ngoái do dịch, chủ tàu mấy tháng nằm bờ, họ chỉ cho ứng 1 triệu đồng/tháng cầm cự. Sau tết, tưởng đâu đi lại chuyến biển đầu năm sẽ có thu nhập, ai ngờ giá dầu tăng cao, giá hải sản lại thấp nên tôi chỉ chia được 2,5 triệu đồng. Hơn 10 ngày nay trời thổi, tàu không ra khơi được, anh em lao động biển lại đi vay chủ tàu duy trì cuộc sống. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi phải kiếm nghề bờ sinh sống”.
Sau tết, việc kiếm lao động đi biển gặp rất nhiều khó khăn, đa số trước tết đã chuyển nghề bờ để ứng phó với dịch Covid – 19 và chưa có ý định quay trở lại nghề biển vì giá xăng dầu tăng cao khiến thu nhập của họ sẽ bị ảnh hưởng. Đa số lao động biển có kinh nghiệm, tay nghề đều đã lớn tuổi, còn thanh niên có sức khỏe thì những năm gần đây bỏ biển lên bờ rất nhiều. Đến nay, mặc dù đã sắp hết tháng giêng nhưng nhiều chủ tàu vẫn chưa thể ra khơi, chỉ vì thiếu bạn đi biển trầm trọng. Để ứng phó, các chủ tàu linh động khoáng cho bạn biển 500.000 đồng/người/chuyến và sẽ tiếp tục được chia theo sản lượng đánh bắt, nhưng đến nay tìm “đỏ mắt” vẫn không có ai mặn mà.
Loay hoay tìm giải pháp
Vấn đề thiếu lao động biển đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng đến khi dịch Covid – 19 bùng phát thì tình trạng này trầm trọng hơn, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán. Trước đây, đại diện Chi cục Thủy sản đã có ý kiến rằng, để có nguồn nhân lực đi biển ổn định, các chủ tàu khi tuyển lao động cần phải có hợp đồng, đóng bảo hiểm để ngư dân yên tâm bám biển, gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, nhiều ngư dân khẳng định việc này rất khó thực hiện vì nghề đi biển khó khăn, vất vả và lao động biển thay đổi liên tục. Đồng thời, ngư dân kiến nghị nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đánh bắt xa bờ, hoặc tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để cải hoán, nâng cấp thành tàu cá có công suất lớn, vươn khơi khai thác xa bờ. Theo Chi cục Thủy sản, giải pháp hữu hiệu nhất khi lao động biển khan hiếm là việc tích cực triển khai, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đánh bắt hải sản, hiện đại hóa các thiết bị đánh bắt. Có như vậy, mới không lệ thuộc nhiều vào lao động và góp phần tăng sản lượng khai thác trong giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, phải coi nghề cá là một nghề thật sự, cần có sự đào tạo nghiệp vụ liên quan đến nghề cá, xây dựng đội ngũ có tay nghề, trình độ, đi từ cơ giới hóa đến hiện đại hóa, chứ không chỉ là nghề cha truyền con nối, làm theo bản năng.
Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất của cả nước với hơn 8.000 tàu, thuyền và trên dưới 40.000 lao động hành nghề trên biển; trong đó, có gần 2.000 tàu thuyền có chiều dài trên 15m đánh bắt xa bờ. Trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản hàng năm đạt khoảng 240.000 tấn. Nếu lực lượng lao động biển suy giảm thì kinh tế biển của địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn.