Thấy gì ở vùng đất La Gi ?
Xã hội - Ngày đăng : 05:59, 02/03/2022
Đổi thay vùng đất
Trở lại La Gi – thị xã nằm phía nam Bình Thuận sau một năm dài hạn chế đi lại vì dịch Covid-19. Vùng đất có 28km bờ biển này đã đổi thay như cây rừng thay lá cuối thu, đầu đông rồi “khoác lên chiếc áo” xanh non đầy nhựa sống. Những gì xưa cũ lạc hậu, kém phát triển của thị xã đang được thay mới bằng sự phồn vinh giàu đẹp hơn. Điều đó thể hiện qua cơ sở hạ tầng, nhiều tuyến đường như đường 719, có điểm đầu từ 2 xã Tân Thành, Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) đi qua 6 phường, xã của La Gi được nâng cấp, mở rộng. Đi cùng với đó là những công trình xây dựng, nhà cửa 2 bên đường thi nhau “mọc lên” như nấm. Cảnh ấy không thể thấy ở cách đây nhiều năm trước, vì nhiều đoạn đường băng qua đồi cát trắng hoang vắng như sa mạc gây cảm giác sợ sệt mỗi khi chiều muộn chạy xe ngang qua. Hiện nay, nhiều dự án du lịch bắt đầu “rục rịch” khởi công hoặc sửa chữa khởi động lại sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19.
Sự đổi thay đó không lạ, bởi La Gi đang gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước thềm thị xã lên thành phố vào năm 2025. Tại cuộc họp trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm qua, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi đã đề xuất chủ trương xây dựng thị xã La Gi lên thành phố trực thuộc tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều đồng ý với đề xuất của Thị ủy La Gi cũng như các kiến nghị nâng cấp, mở rộng những tuyến đường quan trọng. Đồng thời khẳng định La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu.
La Gi đang khoác lên mình diện mạo mới và trong tương lai không xa sẽ là một trong những nơi đáng sống khi 2 sân bay lớn như Long Thành và sân bay Phan Thiết hình thành. Đặc biệt, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 2 tuyến kết nối trực tiếp với La Gi, giúp lưu thông thuận tiện, lộ trình di chuyển đến TP.HCM sẽ được rút ngắn.
Sốt đất
Thời gian qua không ít người đổ xô về đây mua đất, nhất là thời điểm cuối năm 2021 và ngay cả hiện nay. “Chủ yếu là người dân ở các tỉnh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu về đây mua”, ông Trần Văn Kim – Trưởng thôn Hiệp Tiến, xã Tân Tiến nói khi tôi hỏi về tình hình đất đai. Tân Tiến, Tân Bình, Tân Phước là 3 trong 9 xã, phường của La Gi có nhiều người ngoài địa phương tìm đến mua đất nhiều nhất. Cuối năm qua Phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã La Gi quá tải người đến giao dịch đất đai. “Tập trung đông người dễ lây lan dịch bệnh, nên chúng tôi giới hạn mỗi ngày giải quyết 50 hồ sơ. Đất sốt chủ yếu là ở các xã ven biển, những xã, phường khác thì bình thường’’, một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.
Trong cái nắng hanh vàng, tôi tiếp tục rong ruổi khắp La Gi và nhận thấy xuất hiện nhiều văn phòng bất động sản, rồi cò đất. Không ít văn phòng bất động sản, biển báo mua bán đất 2 bên đường hiện diện trên nhiều con đường. Giá đất tăng gấp 2, 3 lần, “năm 2020, đất nền dọc tuyến ĐT 719 chỉ với giá 200 triệu đồng/m ngang mặt tiền, năm 2021 lên 600 triệu đồng/m ngang, tăng gấp 3 lần”. Giới công chức xã Tân Tiến đánh giá mức độ tăng của đất khi tuyến đường ĐT 719 nâng cấp, mở rộng. Dù giá đất gần bằng hoặc bằng giá đất ở khu dân cư của Tp. Phan Thiết, nhưng không còn đất để mua vì người dân không bán hoặc giới đầu cơ đất đã mua rồi. Lãnh đạo các xã cũng biết địa phương mình đang sốt đất, nhưng không có cách nào để làm hạ nhiệt vì đất của dân, họ có quyền bán hoặc giao dịch với người mua, chỉ còn cách tuyên truyền họ cân nhắc trước khi bán. “Người dân bán đất thường đến các phòng công chứng giao dịch, không qua UBND xã nên khó kiểm soát việc mua bán đất. Để tránh tình trạng sốt đất ảo, UBND xã thường xuyên vận động cho người dân nắm bắt và hạn chế bán đất để sau này có đất cho con cái sản xuất và xây nhà ở”, ông Ngô Thái Thạnh Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cùng nhiều lãnh đạo các xã đều có chung quan điểm chia sẻ.
Không quá ảo
So với địa phương khác trên địa bàn tỉnh ở thời điểm hiện nay, đất La Gi thuộc diện sốt, nhưng không bằng cơn bão sốt đất quét qua TP.Phan Thiết những năm qua. Hầu hết người dân La Gi nhận được khuyến cáo từ chính quyền địa phương không nên bán đất. Bởi đất “không sinh sôi ” mà người thì đông cần đất ở và sản xuất. “Tôi thường nói với bà con trong thôn không nên bán đất, chỉ khi nào thật sự cần thiết như xây nhà, nợ nần với số tiền lớn không có khả năng trả...”, ông Kim nhấn mạnh những gì mình đã làm cho dân và nhiều người nghe theo.
Ông Kim cũng như nhiều bí thư, trưởng thôn khác thường xuyên theo dõi tình hình mua bán đất đai trên địa bàn mình quản lý. Thấy có gì bất ổn báo cáo với UBND xã xử lý kịp thời theo tinh thần chỉ đạo của UBND thị xã La Gi. Theo Phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã, từ năm qua đến nay thị xã đã ban hành gần 60 văn bản chỉ đạo các xã, phường quản lý tốt lĩnh vực đất đai, môi trường và khoáng sản. “Ngoài ban hành văn bản chỉ đạo chung thì còn ban hành văn bản từng lĩnh vực. Đặc biệt tập trung siết chặt việc phân lô bán đất nền, chuyển nhượng, thu gom đất thổi giá bán...”, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Đất đai là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất, nếu không quản lý tốt, làm đúng, xử lý nghiêm sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.
“Đảng ủy, UBND các xã, phường tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn không để xảy ra vi phạm quy định. Nâng cao việc kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra...”, UBND thị xã La Gi chỉ đạo các phường, xã quản lý tốt vấn đề đất đai, xây dựng trên địa bàn thị xã.