Hướng đến Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 – 2022): Chia “hạt ngọc trời”

Kinh tế - Ngày đăng : 05:31, 03/03/2022

Công trình hiệu quả nhất

Mới chớm sang tháng 2 âm lịch, cái lạnh của tiết xuân như còn chưa lui vào mỗi sớm mai nhưng những đồi núi non ở không xa hồ Sông Quao đã chuyển sang sắc vàng đặc trưng của mùa hạn, bất chấp 60 triệu khối nước của hồ đang trải xanh một vùng rộng lớn. Sự lạ lùng này nói lên phần nào sự khắc nghiệt của thời tiết, đồng thời cũng thể hiện việc quan tâm tích giữ nguồn nước cho sản xuất ở đây. Thời điểm này năm trước, hồ chỉ có khoảng 56 triệu khối. Nhưng sau khi đầu tư nâng cấp bảo đảm an toàn đập WB8 và hoàn thành vào tháng 10/2021 rồi tích nước cho sản xuất thì diện tích tưới đã tăng lên 10.289 ha so với thiết kế 8.120 ha, tương tự cấp nước sinh hoạt cũng tăng lên 65.000 m3/ngày, trong khi thiết kế 36.720 m3/ngày. Vì vậy, thêm khẳng định việc xếp hạng hồ Sông Quao là một trong những công trình thủy lợi phát huy hiệu quả nhất cả nước.

z3224827597248_3e1ef38fd02e9150107c94a843b5ad61.jpg

Từ đây, cũng có thể hiểu vì sao huyện Hàm Thuận Bắc đã đề xuất, giới thiệu công trình tiêu biểu giới thiệu chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022) đều bên thủy lợi. Đó là Công trình thủy lợi Sông Quao với thời gian khởi công vào năm 1988 và hoàn thành vào năm 1997 rồi đầu tư nâng cấp vào năm 2019, đã phục vụ tưới cho 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc. Đó là công trình Kênh tiếp nước 812 - Châu Tá, huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc với thời gian khởi công vào năm 2008 và hoàn thành năm 2009 đã tưới cho 8.500 ha đất nông nghiệp của huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc. Đồng thời bổ sung nguồn nước chống hạn cho khoảng 12.000 ha đất canh tác thuộc huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Bên cạnh còn phục vụ nước sinh hoạt, chăn nuôi cho các địa phương dọc theo tuyến kênh và các vùng phụ cận TP. Phan Thiết.

Khó có thể đo đếm cụ thể kết quả từ khi vùng đất này có nước nhưng những đổi thay của cảnh quan qua nhà cửa, đường sá cùng mức sống người dân tăng cao; số doanh nghiệp, hộ cá thể đã lên con số gần 5.000, cho thấy vùng đất vốn thuần nông bao đời này đã thay đổi đúng như câu nói của Tổng Bí thư Đỗ Mười khi về thăm và làm việc tại Bình Thuận từ nhiều năm trước đã nhấn mạnh: Nước, nước và nước.

z3224868840917_0579268a03442072269adcdf04e94d5c.jpg
Hồ Ba Bàu. Ảnh: N.Lân

Vùng đất của thử thách

Sự nhấn mạnh rất gọn ấy có lẽ chỉ có người dân Bình Thuận, nơi xác định ở vùng cuối miền Trung bộ, đầu miền Đông Nam bộ, bên cạnh vùng Tây nguyên là hiểu rõ nhất. Sự giao thoa ấy đã khiến khí hậu cùng hệ thống sông ngòi vốn có trên địa bàn khác biệt nên mùa mưa lẫn mùa cạn diễn ra trong tỉnh, hình thành đến 5 tiểu vùng thủy văn. Cộng thêm, với lượng mưa không đều nên có nơi như Đức Linh, Tánh Linh có mùa mưa thuận với lượng mưa lớn; đồng thời cũng có nơi như Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc có lượng mưa ít, lại nắng nóng, gió mạnh. Sự chưa hợp lý ấy từ thiên nhiên đã khiến con người muốn sinh tồn ở vùng đất khó phải khoanh bàu, đào ao, dựng đập, phải làm hồ chứa, trạm bơm trong điều kiện cho phép.

Sau ngày tái lập tỉnh (1992), Bình Thuận vẫn mang danh là địa phương khô hạn nhất nước, khi có đến 144 công trình, nhưng năng lực thiết kế tưới chỉ 27.400 ha, trong đó tưới chủ động chỉ 11.000 ha. Nếu so với con số hiện tại, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi gồm 21 hệ thống hồ chứa nước, 35 hệ thống đập dâng, 18 hệ thống trạm bơm và 4 hệ thống kênh nối mạng thì thấy rõ đó là một hành trình với thử thách. Hay nói cách khác, đó là cách thắng thiên nhiên nhờ sự quan tâm của Trung ương, nỗ lực của địa phương qua bao thời kỳ, dù cũng có khi này, khi khác trong quá trình dồn sức phát triển.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời kỳ 2001 - 2021 thủy lợi Bình Thuận đã có 2 sự thay đổi lớn, khi sử dụng nguồn nước ở các lưu vực sông bên ngoài tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là tháng 7/2001, Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoàn thành, làm cho lượng nước sông La Ngà điều hòa hơn, và đây là cơ sở để ngành thủy lợi thực hiện hệ thống trạm bơm ven sông La Ngà (với gần 20 trạm bơm), làm nên bước phát triển nhảy vọt về sản xuất nông nghiệp cho vùng Đức Linh - Tánh Linh. Sau đó, đến tháng 4/2010, dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao được Bộ Nông nghiệp và PTNT khởi công xây dựng, công trình có năng lực thiết kế 27.090 ha tưới cho cả 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh. Tiếp đến, tháng 4/2008, Nhà máy thủy điện Đại Ninh hoàn thành, làm cho lượng nước sông Lũy tại Bắc Bình nhiều hơn vào mùa khô. Đây là cơ sở để ngành thủy lợi địa phương thực hiện bổ sung nước vào hồ Cà Giây và chuyển nước về khu tưới hồ Sông Quao, thông qua tuyến kênh chuyển nước 812 - Châu Tá, bước đầu góp phần phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp của hai huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Đến tháng 3/2009, bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục khởi công xây dựng Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, giai đoạn 1, có nhiệm vụ cấp nước cho 15.700 ha đất canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí.

z3224873164471_a1a5f8fa05d8c2d35dd03f5f63375783.jpg

Tiếp sức chuyển nước

30 năm, Bình Thuận có nhiều công trình thủy lợi lớn như Sông Quao (8.120 ha), Cà Giây (3.965 ha), Sông Lòng Sông (4.260 ha), dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết (15.700 ha), đập dâng Tà Pao (27.090 ha), hồ Sông Dinh 3 (2.228 ha), hồ Sông Móng (4.670 ha), hồ Sông Lũy (4.120 ha) hình thành. Từ đây, ưu tiên đầu tư các kênh chuyển nước đến các vùng khô hạn và bãi ngang ven biển. Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 15 tuyến kênh nối mạng với quy mô 265 km, đang phát huy hiệu quả tốt với nhiệm vụ tiếp nước, tưới tăng vụ 19.700 ha và mở rộng khu tưới 18.000 ha; thực hiện kiên cố kênh mương nội đồng giai đoạn 2015 - 2021 đạt 60 km, giúp ổn định tưới cho 5.250 ha, nâng chiều dài kênh kiên cố toàn tỉnh 176,5 km (đạt 9,2%). Quá trình ấy đã đưa sản xuất nông nghiệp không chỉ bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Và cũng trong quá trình ấy tiếp tục xuất hiện một sự chưa hợp lý khác, mà lần này khắc phục đến đâu là tùy vào sự nỗ lực của con người. Vì hiện tại, tổng lượng nước đến địa bàn tỉnh hàng năm lên đến 5,4 tỷ khối nước nhưng thực tế, các công trình thủy lợi trên chỉ giúp Bình Thuận sử dụng được hơn 1 tỷ khối nước. Trong khi đó, vùng phía nam, cụ thể là Hàm Tân, La Gi và Hàm Thuận Nam, những nơi đang cần nước không chỉ cho sản xuất ổn định mà còn cho phát triển công nghiệp nên đang rất mong sự xuất hiện của hồ La Ngà 3, hồ Ka Pet. Khi ấy, Bình Thuận lại tiếp tục nối mạng thủy lợi, chuyển nước từ vùng dư sang vùng thiếu mà nông dân trong tỉnh vốn quý nước thường ví von rằng chia “hạt ngọc trời”…

Sau 30 năm tái lập tỉnh, nhờ đầu tư tốt các công trình thủy lợi, đặc biệt là sáng kiến làm kênh nối mạng thủy lợi, bước đầu đã tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới toàn tỉnh từ 32.600 ha (năm 1992) tăng lên 114.500 ha (năm 2021), gấp 3,5 lần; trong đó tưới lúa đông xuân 3.150 ha tăng lên 29.460 ha, thanh long từ 700 ha lên 21.050 ha. Đồng thời, cấp nước phục vụ sinh hoạt và các ngành kinh tế khác đạt 38,2 triệu m3 năm 2021.

Bích Nghị