Lao động, việc làm: Những việc cần làm ngay trong trạng thái “bình thường mới”

Kinh tế - Ngày đăng : 05:55, 04/03/2022

Là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm phủ vắc xin trong top đầu thế giới, Việt Nam đã chấp nhận sống chung với Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”, đồng thời tập trung toàn lực cho việc phục hồi và phát triển kinh tế. Do vậy vấn đề lao động, việc làm cần phải xác định rõ những việc cần làm ngay trong thời gian tới.
dsc-3311-nu.jpg

Nhận diện hạn chế

Trong năm 2021, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cả nước. Tại Bình Thuận, dịch Covid-19 làm đình trệ nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch và tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, làm ảnh hưởng lớn đến công tác thu ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt lĩnh vực lao động, việc làm bị ảnh hưởng khá nặng nề. Song trong những khó khăn chồng chất, ngành lao động đã nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương để tìm những giải pháp phù hợp, từng bước giải quyết và khắc phục, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh nhà. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết lao động việc làm, song trên thực tế, những mặt tồn tại, hạn chế vẫn còn hiện hữu trong công tác lao động, việc làm trên phạm vi toàn tỉnh. Đó là, công tác dự báo và thông tin cung, cầu lao động về giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động trong và ngoài tỉnh còn nhiều bất cập, chưa sát và kịp thời, đặc biệt là trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa tương xứng so với tiềm năng và yêu cầu, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động. Hệ thống pháp luật về lao động và những cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ người lao động chưa hoàn chỉnh. Cơ cấu ngành nghề và cấu trúc đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật và quản lý giỏi, năng suất lao động còn thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm xã hội trong việc tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, đánh giá, tuyển dụng; có những doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động phổ thông. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, tích cực mở lớp đào tạo, chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương, đoàn thể trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới còn hạn chế...

Xác định nhiệm vụ cấp thiết

Cho đến thời điểm này, khi Chính phủ quyết tâm tiêm phủ vắc xin cho 100% đối tượng trong tuổi lao động để chúng ta chấp nhận sống chung với Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”, đồng thời tập trung toàn lực cho việc phục hồi và phát triển kinh tế; thì những việc làm cần làm ngay đối với công tác lao động, việc làm trong thời gian tới phải được triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Theo đó, ngành lao động nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức. Chỉ đạo sâu sát đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền công tác tuyển sinh; tăng cường tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường. Đẩy mạnh khai thác, tăng mới đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động. Chú trọng nghiên cứu các thị trường có nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, thu nhập tốt và an toàn để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi chúng ta “mở cửa toàn bộ”. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động và Quy chế dân chủ cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực hiện đúng quy định về khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở đào tạo nghề; kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức giảng dạy các lớp đào tạo nghề. Tiếp tục triển khai chính sách đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi để thực hiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu của người học và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động, triển khai tuyển sinh, tổ chức đào tạo các ngành nghề trọng điểm. Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động bằng những giải pháp hết sức cụ thể...

dsc3310.jpg
Ảnh: Đ.Hòa

Dự báo trong thời gian tới, khi cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ tập trung toàn lực cho việc phục hồi và phát triển kinh tế. Khi đó thị trường lao động sẽ chứng kiến những cuộc tuyển dụng số lượng lớn chưa từng có. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong công tác lao động, việc làm, người lao động cần nhận thấy: Covid-19 cũng có thể là cơ hội để các doanh nghiệp có thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực nhân viên, chọn lọc, tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao. Từ đó, người lao động cần phải giữ gìn sức khỏe, không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện tay nghề, kỹ năng làm việc để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp đối với người lao động.

Bảo Tín