Sinh hoạt chi bộ: Chất lượng phải được nâng lên

Chính trị - Ngày đăng : 06:16, 07/03/2022

Chi bộ là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Tổ chức sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng cao chính là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chất lượng sinh hoạt chi bộ nhất thiết phải được nâng lên.
sinh-hoat-chi-bo.jpg
Một buổi sinh hoạt chi bộ. (Ảnh minh họa)

Sự cần thiết

Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ là tác động, thúc đẩy, định hướng, giám sát và kiểm tra để cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, công tác xây dựng Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị luôn được đặt song song, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là để thực hiện nhiệm vụ chính trị tốt hơn và thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng chính là để góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn có ý nghĩa tạo ra động lực, phương hướng, giải pháp một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất để thực hiện thành công đồng thời hai nhiệm vụ đó. Từ đây, nhận thức và ý thức tự giác của mỗi đảng viên được nâng cao, tính tiên phong, gương mẫu cũng được thể hiện rõ nét. Và với vai trò lãnh đạo toàn diện, tổ chức đảng có trách nhiệm định hướng, dẫn dắt, quyết định… các hoạt động của cơ quan, đơn vị và các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cùng các hoạt động của đảng viên trong khuôn khổ thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm đó được thể hiện rất rõ trong nội dung sinh hoạt của từng tổ chức Đảng mà sát nhất vẫn là các buổi sinh hoạt của từng chi bộ. Do vậy, trong một cuộc sinh hoạt chi bộ có chất lượng, thì các vấn đề, nhất là các khiếm khuyết, hạn chế của chi bộ, của cơ quan, đơn vị, của các đoàn thể và của từng đảng viên, phải được đưa ra phân tích, làm rõ, nhằm khẳng định cái đúng, phê bình và đấu tranh với cái sai để biểu dương, động viên tiếp tục phát huy cũng như góp ý, rút kinh nghiệm để đảng viên tự soi rọi, sửa chữa để hoàn thiện hơn. Với ý nghĩa đó, các chi bộ trong tất cả các loại hình tổ chức đều phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng và hoạt động của các tổ chức đảng cũng phải tuân thủ theo các quy định của Đảng. Bên cạnh đó, tổ chức đảng và đảng viên còn phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn gắn với việc không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện các chủ trương, đường lối đó trong điều kiện cụ thể của mình.

Giải pháp cụ thể

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa và tính cấp thiết của vấn đề này. Phải làm tốt công tác quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chi ủy, mà trước hết là bí thư chi bộ phải chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; chuẩn bị kỹ nội dung, quy trình sinh hoạt; thông báo trước nội dung, thời gian, địa điểm cho đảng viên biết để chủ động bố trí thời gian dự sinh hoạt và chuẩn bị ý kiến phát biểu; xác định và chọn những việc cụ thể thiết thực liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ và quyền lợi của đảng viên, quần chúng để thảo luận, bàn và đề ra biện pháp giải quyết phù hợp. Mỗi đảng viên phải nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình trong sinh hoạt chi bộ.

Trong sinh hoạt, phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ; người chủ trì phải cung cấp thông tin và định hướng, khuyến khích đảng viên tham gia ý kiến để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả. Các vấn đề chi bộ đưa ra bàn bạc, trao đổi, thảo luận, mọi đảng viên phải chủ động phát biểu tỏ rõ chính kiến của mình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tập trung trao đổi, thảo luận nội dung trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động của chi bộ; tự phê bình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Những vấn đề sau khi được bàn bạc, biểu quyết theo đa số và trở thành nghị quyết của chi bộ, mọi đảng viên phải tuân thủ. Cuối buổi sinh hoạt phải có nhận xét, đánh giá chất lượng sinh hoạt đảm bảo đúng thực chất.

Cấp ủy cấp trên phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về: việc chấp hành chế độ sinh hoạt chi bộ; việc thực hiện nội dung, quy trình sinh hoạt của chi bộ; trong đó, cần chú ý nội dung về tự đánh giá chất lượng sinh hoạt của chi bộ để làm cơ sở cho việc xem xét, xếp loại chất lượng chi bộ cuối năm; đưa công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức sinh hoạt của các chi bộ vào nhiệm vụ thường xuyên. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho cấp ủy viên, bí thư chi bộ về kỹ năng, nghiệp vụ theo quy định.

Tóm lại, sinh hoạt có chất lượng chính là dịp để các đảng viên bộc lộ mình một cách rõ ràng, cụ thể, qua đó có thể nắm chắc tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên và có biện pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ đảng viên và xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Do vậy từng tổ chức Đảng, từng đảng viên phải luôn xác định việc sinh hoạt chi bộ là nghĩa vụ, trách nhiệm hết sức quan trọng của mỗi chi bộ và đảng viên. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi bộ và có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ.

Bảo Tín