Tham gia BHXH tự nguyện theo chuẩn nghèo đa chiều mới
Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 06:28, 07/03/2022
Theo quy định hiện hành, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng được tính bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Năm 2021, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng và mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/người/tháng. Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 thấp nhất hàng tháng là 154.000 đồng/tháng.
Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất theo mức chuẩn nghèo mới sẽ là: 22% x 1,5 triệu = 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021. Việc mức thu nhập chuẩn nghèo đa chiều mới tăng lên gấp đôi khiến cho mức đóng BHXH tự nguyện cũng tăng theo, điều này được nhận định sẽ gây khó khăn lớn cho công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn mới. Xác định đây là một bài toán rất khó nên ngay từ những tháng cuối năm 2021, BHXH Bình Thuận đã tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân hiểu cũng như các cấp ủy chính quyền địa phương nắm rõ để có các giải pháp tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả, hướng tới đạt độ bao phủ BHXH tự nguyện đã được đưa vào nghị quyết của Đảng, của các cấp chính quyền địa phương.
Để người dân tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Thiết nghĩ, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 30% mức đóng BHXH tự nguyện cho các đối tượng hộ nghèo, 25% mức đóng cho hộ cận nghèo và tất cả các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, thì theo mức chuẩn nghèo mới này Nhà nước cũng nên xem xét tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện nâng từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có những hỗ trợ thêm cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tùy vào ngân sách địa phương, đặc biệt là mức tăng thêm so với chính sách trước đây để giúp hỗ trợ sự tăng trưởng của tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Với sự triển khai quyết liệt, đồng bộ, sự vào cuộc có trách nhiệm của các sở, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương sát cánh cùng cơ quan BHXH, tin tưởng rằng sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển người dân tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.