Biệt thự giữa núi rừng
Kinh tế - Ngày đăng : 05:50, 09/03/2022
Chúng tôi đi Buôn Cùi, một chuyến đi khám phá vì đây từng là nơi Pháp lưu đày những người bị bệnh phong (cùi) để tránh lây lan. Thứ hai, Buôn Cùi là thôn giàu có nhất nhì xã Đa Mi. Người dẫn đường là Trần Văn Thế, thôn trưởng. Anh giải thích: “Cùng thời gian Nhà nước xây đập thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, rất nhiều dòng người từ miền Tây, từ ngoài Bắc tìm đến núi rừng Đa Mi, khai hoang lập nghiệp. Những người ở Buôn Cùi là kẻ đến sau, vì vậy rẫy và vườn của họ phải chịu xa trung tâm xã. Về đất đai, thôn này thuộc Đông Tiến, một xã đồng bào dân tộc (cũng thuộc huyện Hàm Thuận Bắc) quản lý, nhưng dân cư thuộc xã Đa Mi.
Đến lúc này (3/2022) thôn có 180 hộ, 664 nhân khẩu đang sinh sống và canh tác. Diện tích canh tác, theo Thế nói, chưa nắm hết được vì đa số nằm trên các ngọn đồi, giữa các thung lũng, ven theo 2 bờ sông La Ngà. Lần gần đây nhất, xã Đông Tiến cử người đo đạt để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đã có 222 hộ có đất được đo. Số còn phải đo, ước tính không nhỏ. Điều đó chứng tỏ: Có không ít hộ dân có đất ở Buôn Cùi nhưng sinh sống nơi khác. Đến mùa vào thu hoạch nông sản rồi lại về nơi ở cố định. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy: Trung bình mỗi hộ dân sinh sống ở Buôn Cùi có 4 ha đất. Cá biệt có hộ đến 5 ha đất vườn. Cây trồng chủ lực là cà phê, sầu riêng. Mỗi ha sầu riêng chuyên canh khoảng 400 cây, xen canh: 200 cây. Dân lại giỏi việc ghép, chọn giống cây cho năng suất cao nên sầu riêng 15 tuổi trong thôn thường cho 4 - 5 tạ trái/ cây. Mỗi trái bình quân 4kg. Sầu riêng lúc cao giá như năm 2015 đến 70.000 đồng/kg. Năm 2021, bình quân 40.000 đồng/kg tại gốc. Mỗi mùa sầu riêng, nhiều gia đình, sau khi đã trừ chi phí còn từ 150-250 triệu đồng, chưa kể cà phê. Nhờ nguồn thu khá và ổn định, nhiều người trong thôn sắm xe con, mua nhà phố và xây biệt thự tại nơi sản xuất. Để chứng minh cho nguồn thu của dân khá cao, Thế chỉ chúng tôi xem một cửa hàng bán hàng tự chọn (siêu thị mini) ven đường, rồi khẳng định: “Bán đủ loại hàng hóa cần thiết, cao cấp, bình dân đều có. Ngày nào cũng có xe chở hàng vô, ra”.
Có thể nói hầu hết biệt thự xây giữa núi rừng đều thiết kế hiện đại, hướng tới hài hòa với thiên nhiên và đều có hồ chứa nước ngầm, làm mát biệt thự trong mùa hè vừa có nước sạch dùng quanh năm. Và, đều có điện mặt trời, có sân vườn, có hoa tươi trên lối vào. “Đa số chủ biệt thự đều mua nhà thành phố. Mùa hè, con cái họ quay về biệt thự nghỉ dưỡng. Đó là lý do vì sao người có tiền không ngại xây biệt thự giữa núi rừng”.
Lê Văn Toán, người đàn ông ngoài 50 tuổi, chủ biệt thự màu đỏ nhạt nằm cuối thôn, sau khi Thế giới thiệu, trò chuyện với tôi. “Biệt thự anh xây năm nào?”. “Năm 2019. Xây biệt thự ở đây, chi phí vật liệu cao hơn ở đồng bằng. Móng nhà cũng tốn gấp đôi vì phải xây cao và kiên cố”. “ Tôi thấy móng nhà anh rồi. Cao gần một thước. Biệt thự rộng như vậy, chắc không ở hết?”. “Không hết, nhưng cứ phải xây cho con cái, bạn bè về chơi. Lúc nào vất vả thì vất vả. Lúc nào cho phép thư nhàn thì thư nhàn”. Tôi hỏi ông Toán câu cuối cùng: “Anh biết quanh đây, có bao nhiêu biệt thự không?”. Người đàn ông lắc đầu, sau đó lại tiếp tục công việc của mình, chả là trước lúc nói chuyện với tôi, ông đang leo cây, ngắt bớt hoa sầu riêng để cây tập trung cho một lượng trái nhất định.
Đa Mi đang kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái. Những khu vườn sầu riêng, cà phê, những ngôi biệt thự giữa núi rừng, có sức hút. Nó cũng nói với du khách về khát vọng làm giàu của người Đa Mi.