Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Quao: Khắc phục khó khăn, hạn chế vi phạm lâm luật

Pháp luật - Ngày đăng : 06:04, 10/03/2022

Với diện tích rừng được giao quản lý gần 19.000 ha, nằm trên địa giới hành chính 5 xã thuộc Hàm Thuận Bắc, gồm Đông Giang, Đông Tiến, Hàm Phú, Hàm Trí và Thuận Hòa, công tác quản lý, bảo vệ rừng của BQL rừng phòng hộ Sông Quao dù gặp không ít khó khăn, thử thách.
z3243668219245_581e5f7586862be842baa53fe6c93936.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An trong buổi thăm tại BQL RPH Sông Quao.

Ngăn chặn phá rừng

Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được UBND tỉnh giao cho BQL rừng phòng hộ Sông Quao quản lý gồm 31 tiểu khu. Trong đó rừng phòng hộ trên 12.432 ha, rừng sản xuất 5.919 ha và 646,27 ha đất ngoài quy hoạch. Với lực lượng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng là 27 người, được bố trí ở 4 trạm nằm trên địa bàn 4 xã và 1 tổ cơ động đặt tại ban. Ngoài ra, Ban cũng đã phối hợp cùng UBND xã tổ chức cắm 7 chốt bảo vệ rừng (BVR) cố định của hộ nhận khoán ở những nơi trọng điểm như Chốt đèo 7, Chốt đèo 4 xã Đông Giang, chốt Đan Sách...

Ông Phan Văn Chiến - Trưởng BQL RPH Sông Quao cho biết, trong thời gian qua, đơn vị thường xuyên tuần tra, truy quét, nhất là tập trung vào các khu vực vùng giáp ranh và nổi cộm về tình hình phá rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình hình phá rừng trong lâm phần quản lý. Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngoài thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng của các tổ, trạm, hộ nhận khoán, Ban đã tổ chức 29 đợt/251 lượt người tham gia kiểm tra, truy quét vào các vùng trọng điểm, vùng giáp ranh, mỗi đợt từ 6 – 10 người tham gia với thời gian từ 2 đến 3 ngày. Qua kiểm tra đã phát hiện và phối hợp kiểm lâm địa bàn lập biên bản chuyển Hạt Kiểm lâm xử lý 13 trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp, so với cùng kỳ năm trước giảm 5 trường hợp. Cũng theo đại diện BQL RPH Sông Quao, mặc dù tình hình phá rừng, khai thác rừng và lấn, chiếm đất trên địa bàn đơn vị quản lý giảm, nhưng vẫn còn trường hợp xảy ra, chưa ngăn chặn được triệt để. Một số hộ dân sống ven rừng đã vào rừng kiếm sống, gây áp lực lớn cho công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị.

Không để tạo thành điểm nóng

Đó là một trong những nhiệm vụ được Ban đặt ra ngay từ đầu năm. Trong đó, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, làm giảm đến mức thấp nhất tình hình cháy rừng xảy ra. Song song, phối hợp các xã có rừng thành lập 12 tổ chữa cháy rừng trong nhân dân với tổng số 200 người để thực hiện công tác PCCCR trong suốt mùa khô. Cùng với đó, kiện toàn Ban chỉ huy và thành lập 4 đội chống phá rừng - PCCCR và 1 tổ ứng cứu nhanh với số lượng 33 người. Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là hạn chế thấp nhất tình hình phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất trái phép trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tổ chức tốt phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô. Phấn đấu hạn chế tình hình khai thác rừng, vận chuyển lâm sản và lấn chiếm rừng, giảm 10% so với năm 2021 (cả về số vụ và số lượng). Không để xảy ra vụ phá rừng vượt khung xử lý hành chính…

Để đạt được mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị là tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra rừng tại những vùng trọng điểm đã xác định nhằm ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng vào rừng trái phép, không để họ có cơ hội khai thác gỗ, phá rừng. Khi phát hiện có hành vi vi phạm xảy ra phải kiên quyết ngăn chặn, không để tạo thành điểm nóng. Đáng chú ý, vừa qua nhân dịp đến thăm, tặng quà các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có BQL RPH Sông Quao, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã đề nghị các đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng, nhất là khu vực giáp ranh. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là áp dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Lãnh đạo tỉnh đặt ra bài toán làm sao để ngăn chặn xâm lấn rừng, nâng cao chất lượng rừng. Trong đó, tập trung hơn nữa công tác trồng rừng. Cần tính đến việc trồng cây bản địa có giá trị kinh tế cao, cây gỗ lớn, tạo ra giá trị gia tăng. Phát huy vai trò của người dân nhận giao khoán rừng, đảm bảo chăm lo tốt đến đời sống cán bộ, viên chức, người lao động...

Kiều Hằng