Mua thuốc điều trị Covid -19 phải theo toa bác sĩ

Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 11/03/2022

Số lượng người mắc Covid-19 đang gia tăng. Vì thế, khả năng nhu cầu mua thuốc Molnupiravir sẽ tăng theo tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, điều kiện được mua thuốc là gì?
thuoc.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thị trường tràn ngập bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, kể cả trên mạng xã hội. Tại Phan Thiết, một số quầy thuốc, nhà thuốc cũng có bán loại thuốc này, với giá khoảng 250.000 đồng/hộp. Ở huyện, giá mỗi hộp khoảng 250.000 - 260.000 đồng. Người mua phải có đơn thuốc (toa thuốc) của bác sĩ, thì các quầy thuốc, nhà thuốc mới bán. Bởi theo quy định của Bộ Y tế, mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 phải có toa của bác sĩ. Trong khi đó, số lượng người mắc Covid-19 đang gia tăng. Số ca nhiễm Covid-19 tăng mỗi ngày ở Bình Thuận, ghi nhận ở mức dao động khoảng 400 - 720 ca mỗi ngày trong những ngày đầu tháng 3. Theo đó, tích lũy số ca hiện đang điều trị tại cơ sở y tế 1.147 ca, tại nhà 2.713 ca. Số người nhiễm điều trị tại nhà, chủ yếu Tánh Linh 703 ca, Hàm Thuận Nam 535 ca, Hàm Tân 437 ca, Hàm Thuận Bắc 305 ca. Tuy nhiên, không ít người dân phát hiện dương tính khi test nhanh, không khai báo y tế. Số lượng này cũng đáng kể. Vì thế, khả năng nhu cầu mua thuốc Molnupiravir sẽ tăng theo tỷ lệ thuận.

Một số người dân chia sẻ: Khi tự test nhanh tại nhà 2 lần, test chỉ ra 2 vạch, xem như bị nhiễm Covid-19. Để mua thuốc đặc trị, người nhiễm phải có toa của bác sĩ. Điều này không dễ chút nào, vì phải qua các khâu thủ tục. Đó là khai báo y tế tại trạm y tế xã phường để có giấy xác nhận F0. Nhân viên y tế mới gửi danh sách về trung tâm y tế, thì bác sĩ mới ra toa thuốc, nhanh 1/2 ngày có toa, chậm thì sáng khai báo chiều có toa thuốc. Bởi hầu hết các trạm y tế đều không có bác sĩ, nên có sự chờ đợi về toa thuốc. Cùng những khó khăn này, không ít số ca nhiễm không khai báo với y tế, tự mua thuốc đặc trị này để uống bằng nhiều kênh khác nhau.

Theo Phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế Bình Thuận, do thiếu bác sĩ, các trạm y tế phần lớn không có bác sĩ mỗi ngày.

Vì vậy, các trung tâm y tế sẽ cử bác sĩ luân phiên. Các bác sĩ ở các phòng mạch tư vẫn có thể kê toa thuốc này. Theo quy định, y sĩ không được kê toa thuốc, chỉ trừ những vùng sâu, vùng xa khó khăn. Bác sĩ căn cứ vào giấy xác nhận dương tính để kê toa thuốc. Người bệnh mang toa đi mua, không cần giấy xác nhận dương tính nữa.

Cũng theo Phòng Nghiệp vụ, Molnupiravir là thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19, làm giảm tải lượng vi rút trong cơ thể, góp phần giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Tác dụng là vậy, nhưng không hẳn ai nhiễm Covid-19 đều uống loại thuốc này. Ngành y tế khuyến cáo người dân không nên tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19. Khi tự ý mua thuốc ở các kênh khác nhau mà không có toa của bác sĩ dẫn đến trường hợp mua thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi uống vào, người bệnh sẽ bị tác hại về sức khỏe. Tiếp đó, tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của từng người, mà bác sĩ quyết định có ra đơn thuốc đặc trị hay không. Với người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nếu nhiễm Covid-19 thì không thuộc nhóm cần uống thuốc đặc trị. Thuốc đặc trị - nếu sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gặp phản ứng phụ.

3 loại thuốc có dược chất Molnupiravir
Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành 3 loại thuốc kháng vi rút có dược chất Molnupiravir điều trị Covid-19.Đó là Molravir 400 (Molnupiravir 400 mg), số đăng ký SĐK: VD3-166-22 với giá 11.550 đồng/viên; Movinarvir (Molnupiravir 200 mg), số đăng ký SĐK: VD3-167-22 có giá 8.675 đồng/viên; Molnupiravir Stella 400 mg (Molnupiravir 400 mg), số đăng ký SĐK: VD3-168-22, với giá 12.500 đồng/viên.

Trang Minh