Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 16:18, 11/03/2022

BTO - Sáng 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bình Thuận, dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh; đại diện lãnh đạo Sở GDĐT, các phòng ban liên quan.

Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai ở lớp 1 (năm học 2020 – 2021), lớp 2, 6 (năm học 2021 – 2022) và tiếp tục năm học 2022 – 2023 sẽ triển khai ở lớp 3, 7 và lớp 10. Theo Bộ GDĐT, thời gian qua các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Trong đó, mạng lưới trường, lớp có quy mô, số lượng lớp vượt quá quy định; thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh (cấp tiểu học, trung học cơ sở), môn Nghệ thuật (cấp THPT); cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ; việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương còn gặp nhiều khó khăn... Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như thiếu nhân viên y tế trong các у cơ sở giáo dục; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng nhu cầu dạy học trực tuyến; khó khăn trong việc bố trí giáo viên hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đây là đợt tiến hành đổi mới Chương trình GDPT rất sâu sắc,  toàn diện; chuyển đổi về cả cách tiếp cận, cách định hướng… Do vậy, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT có thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào lãnh đạo các địa phương, sự quyết tâm thực hiện của nhà trường, giáo viên và sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT đề nghị các địa phương nhanh chóng rà soát đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học theo từng trường tiểu học để từ nay đến năm học 2022 – 2023 có căn cứ xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để bố trí đủ giáo viên cho những trường còn thiếu; không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Có phương án kịp thời đầu tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo cho năm học 2022 – 2023 và kể cả các năm học về sau. Riêng việc chọn lựa sách giáo khoa phải được tổng hợp từ ý kiến của các tổ chuyên môn, các cơ sở giáo dục để có thể lựa chọn ra được bộ sách giáo khoa đúng quy định, đảm bảo ý nghĩa của bộ sách…

img-5177.jpg

Tại Bình Thuận, việc thực hiện Chương trình GDPT mới trong những năm qua được quan tâm triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực. Tiếp tục thực hiện chương trình GDPT mới trong năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp để giảng dạy… Theo Sở GDĐT tỉnh, hiện cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh cơ bản đáp ứng chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh Bình Thuận cũng đang vướng trong việc thừa – thiếu giáo viên cục bộ…

Thanh Thủy