Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên
Chính trị - Ngày đăng : 06:07, 14/03/2022
Đáng chú ý là những trăn trở, băn khoăn về năng lực, trình độ của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; tỉnh cần có giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng viên...
Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt
Có đại biểu cho rằng, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, trong những mặt hạn chế, yếu kém có nêu: “Số ít cán bộ không phát huy hiệu quả nhưng chưa được thay thế kịp thời. Vai trò, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở một số nơi chưa cao. Năng lực, trình độ của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa tự giác rèn luyện, trách nhiệm chưa cao, phong cách làm việc chậm đổi mới; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm”… Đối với ý kiến này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thức việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức thuộc hệ thống chính trị các cấp thuộc tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng. Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó, nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các ban của Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện.
Theo đó, để nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp và của cả hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng. Bên cạnh đó, thực hiện công tác phát triển đảng viên mới bảo đảm chất lượng và đạt chỉ tiêu gắn với thường xuyên sàng lọc, nâng cao chất lượng đảng viên, chú ý phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư, trong lực lượng dân quân tự vệ, trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ của toàn hệ thống chính trị theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác; việc phân công, phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của các cấp ủy.
Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Theo đó, Quy định số 41 quy định cụ thể các căn cứ, quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị làm cơ sở để địa phương kịp thời xem xét miễn nhiệm đối với những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút hoặc có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức, đồng thời, tạo điều kiện để cán bộ tự nguyện xin từ chức khi nhận thấy bản thân có hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý toàn hệ thống chính trị nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý các cấp. Tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, kỷ luật chính quyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng để trang bị kiến thức, kỹ năng; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Một trong những ý kiến được đội ngũ trí thức tỉnh kiến nghị là tỉnh cần có các giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tổng hợp các ý kiến trả lời đối với ý kiến này, Văn phòng Tỉnh ủy cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương ương 4 (khóa XI, XII) trên địa bàn tỉnh đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống do thiếu tu dưỡng, rèn luyện trong công tác, trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống bị xử lý kỷ luật, đã tạo hình ảnh tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng; một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao, có trường hợp phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; một số đảng viên chấp hành không nghiêm chế độ sinh hoạt Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều kỳ và không đóng đảng phí, không còn ý chí phấn đấu phải xử lý đưa ra khỏi Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng.
Ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21 “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tổ chức tham mưu xây dựng kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện kết luận này. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tiếp tục thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên. Những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biểu hiện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì cấp ủy cấp trên phải kịp thời xem xét, gợi ý, chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của cấp ủy cấp dưới và tổ chức, cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách, tài sản nhà nước, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm, khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản thất thoát; thực hiện có hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…