“Khát” sân vận động cộng đồng
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:11, 15/03/2022
Sân vận động “di động”
Vào thời điểm này của những năm trước, người tham gia giao thông trên đoạn ngã tư đường Võ Văn Kiệt và Lê Thanh Nghị, Khu dân cư Hùng Vương thấy một “sân vận động” tự phát, hình thành trên khu đất trống. Nhiều đội bóng không chuyên đủ lứa tuổi từ thanh thiếu niên đến trung niên đến đây tập luyện. Cuối năm qua, chủ sở hữu khu đất này khởi công xây dựng với rào che chắn, tập kết vật liệu, dựng bảng tên, đồng nghĩa, sân bóng “xóa sổ”.
Không còn sân chơi, một trong số đội bóng thuê máy ủi san phẳng khu đất trống với gò đồi, cỏ dại, rác thải nhếch nhác trên đường Lê Thanh Nghị cách đó không xa. Người dân sống trong khu vực tưởng thêm một công trình xây dựng nữa mọc lên sạch đẹp. “Khu đất này của bên khoáng sản, san ủi làm sân chơi khi nào họ xây dựng công trình thì trả lại...”, anh Dũng một trong những “cầu thủ” chia sẻ. Anh cũng cho biết: Ước tính chi phí san ủi, mua lưới chắn phía sau khung thành để bóng không lăn ra đường, khoảng 10 triệu đồng.
Dấu mốc hình thành “sân vận động” này có nguồn gốc từ đó, những ngày sau đó, thu hút nhiều thanh thiếu niên đến chơi. “Con đạp xe qua đây và thấy sân bóng này nên gọi các bạn đến đá”, Minh, học sinh lớp 8 - Trường THCS Hùng Vương nói. Minh và các bạn đều nằm trong đội bóng của trường, đến luyện tập để thi đấu giải trường. Trong đó, có Nguyễn Văn Thành Đạt ở phường Hàm Tiến, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Nghe bạn bè rủ, Đạt đạp xe đến chơi bóng. “Sân này chỉ trống vào buổi sáng, buổi chiều các chú lớn tuổi đá. Hôm nay, bọn con được nghỉ học và đến đây chơi”, Đạt vừa nói vừa nhìn theo trái bóng tròn.
Cần sân vận động cộng đồng
Không chỉ Minh, Đạt, Phát, Công của đội tuyển bóng đá Trường THCS Hùng Vương mà rất nhiều bạn cùng trang lứa khác đi tìm sân chơi, nơi có thể thoải mái vẫy vùng với trái bóng tròn, không bị ràng buộc khung thời gian tính bằng tiền như sân cỏ nhân tạo. Ở vùng nông thôn đất rộng, thanh thiếu niên có nhiều sân chơi cộng đồng hơn ở các đô thị đất chật người đông. Không ít em phải xin tiền cha mẹ hoặc nhịn ăn sáng theo các bạn đi thuê sân cỏ nhân tạo đá vì không có sân vận động cộng đồng. Chính vì thế, các bãi đất trồng, bãi biển, thậm chí đường đi lối lại trong khu dân cư như Khu phố biển Phan Thiết, đường ven biển phường Lạc Đạo, Đức Long đều có thể là sân bóng.
Chia sẻ thực trạng này với lãnh đạo Trung tâm Đào tạo Huấn luyện thi đấu thể dục thể thao tỉnh, ông Nguyễn Đức Vũ – Phó Giám đốc trung tâm thừa nhận, sân chơi cho thanh thiếu niên, lứa tuổi đang phát triển toàn diện thiếu nghiêm trọng. Trung tâm hiện có 2 cơ sở, chỉ phục vụ cho các giải đấu tỉnh và hàng năm cũng phải nộp ngân sách hàng trăm triệu đồng. “Các em có thể đến nhà thi đấu, cơ sở 1 trên đường Nguyễn Tất Thành chơi ở sân phía trước, nhưng sân này thảm bê tông không thể đá bóng; chơi bóng rổ cũng rất nguy hiểm nếu chạy, nhảy té ngã”, ông Vũ cho biết.
Thiếu sân chơi cho thanh thiếu niên rất nguy hiểm, các em thụ động khi vùi đầu vào chơi game, loại hình trò chơi điện tử, không cha mẹ nào muốn. Vì nghiện game dẫn đến sao nhãng học hành và không quan tâm đến thể thao – một hoạt động thể chất bổ ích, thậm chí sa vào tội lỗi... Chưa kể tắm sông, biển vào dịp nghỉ hè đuối nước. Cần có sân vận động cộng đồng trong lòng thành phố để cha mẹ mỗi khi đi tìm con cái sẽ thấy chúng ở đây, chứ không phải trong các phòng game hoặc ôm điện thoại trong các quán cà phê. Sân vận động cộng đồng không chỉ là nơi tập luyện thể thao của thanh thiếu niên mà còn của nhiều lứa tuổi khác... tạo nên phong trào thể thao mạnh và có thêm sức khỏe.