Từ Căn cứ Xẻo Quýt nghĩ về Căn cứ Sa Lôn

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:16, 16/03/2022

Gần 30 năm kể từ khi khu Căn cứ Tỉnh ủy Đồng Tháp được phục dựng tại Xẻo Quýt, đến nay đã có hàng chục vạn người từ khắp miền đất nước và nước ngoài đến tham quan du lịch. Từ một căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ nay đã thành điểm du lịch nổi tiếng về nhiều mặt; được coi là một trong những điểm phát huy rất tốt các giá trị về bảo tồn di tích gắn với hoạt động du lịch và môi trường sinh thái ở Việt Nam.
thuyen.jpg
Thuyền ba lá đưa du khách ngang qua lán trại ở Căn cứ Xẻo Quýt.

Từ Căn cứ Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp ở Xẻo Quýt

Đã nhiều lần tôi có dịp ghé thăm khu căn cứ Tỉnh ủy Đồng Tháp ở Xẻo Quýt. Đó là một lần hồi đang bắt đầu phục dựng và những lần sau cho đến khi hoàn thiện để xem cách tu bổ, tôn tạo kết hợp phục dựng của họ với một di tích kháng chiến vì ở Bình Thuận chưa có di tích loại hình này được tu bổ, tôn tạo.

Xẻo Quýt là vùng đất sình lầy xen bãi nổi rộng trên 70 ha. Trước năm 1960, đây là khu rừng rậm rạp với các loài cây rừng ngập mặn, dây leo, lục bình... kênh rạch chằng chịt. Bên ngoài nhìn vào trống trải, bốn bề là đồng bưng hoang dại, ít người lui tới, địa thế hiểm trở như vậy đã che giấu được cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Ra vào vùng đất này chỉ có cách đi thuyền ba lá lướt nhẹ theo những con rạch. Đặc điểm đó rất phù hợp để lập căn cứ địa khi hoạt động bí mật, nên Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã lập căn cứ tại đây từ năm 1960 cho tới đại thắng mùa xuân năm 1975.

Đây là căn cứ địa lớn nhất của Đồng Tháp và của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh ủy đóng chân ở Xẻo Quýt liên tục 15 năm. Địch đã nghi ngờ sự tồn tại cơ quan đầu não của tỉnh ở đây nên chúng cho đóng đồn bốt dày đặc khu vực bao quanh, liên tục càn quét và dùng cả máy bay B52 ném bom rải thảm vào khu căn cứ nhiều lần.

Sau nhiều năm phục dựng xong, khu di tích Xẻo Quýt giống như địa bàn trong kháng chiến với những hầm hào, lán trại… có thể đi bộ dưới tán rừng tràm, men theo con đường mòn ngoằn ngoèo dài hơn 1,5 km dẫn vào chiến khu xưa, hoặc đi xuồng ba lá với các cô du kích áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo chèo thuyền hướng dẫn. Men theo con kênh nhỏ, chiếc xuồng ba lá len lỏi, luồn lách qua những lùm cây qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông của căn cứ cách mạng xưa. Đi sâu vào trong khu di tích, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh của một chiến khu xưa với những hầm tránh bom chữ A, công sự chiến đấu chữ Z hay hầm bí mật chữ L... được đào đắp bằng đất và cây tràm, cùng những ngôi lán, nhà bếp, phòng hội họp, hay những “bãi ngù tử địa” trước đây có gài lựu đạn chống trực thăng đổ quân và xe tăng bộ binh càn vào căn cứ... tất cả được phục chế nguyên vẹn trên nền những di tích xưa.

Điều đáng quan tâm ở khu căn cứ này chính là tất cả nguyên vật liệu đều sử dụng tại chỗ như trước đây để phục dựng nên di tích. Từ đường đi lối lại, phương tiện vận chuyển cho đến lán trại, nhà bếp, phòng hội họp đều làm bằng lá dừa nước, phên tre, cột tràm, bàn ghế cũng từ cây tràm… như thời kháng chiến nhưng trông có vẻ gần gũi, thân thiết lạ thường, nhất là sát với thực tế khi xưa và thuyết phục hơn khi những thứ đó đang phai màu theo thời gian. Thật xúc động khi nhìn thấy lán trại nơi hội họp của Tỉnh ủy, hầm trú ẩn của đồng chí bí thư… tất cả đều như thật. Nhiều người từng tham gia kháng chiến đến thăm lại căn cứ không cầm được nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng gian khổ trước đây.

Nghĩ về Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận ở Sa Lôn

Có thể những kinh nghiệm trong bảo tồn di tích, gắn với các dịch vụ du lịch lịch sử, sinh thái của tỉnh Đồng Tháp tại Khu di tích Xẻo Quýt cũng là kinh nghiệm quý để chúng ta tham khảo, học tập khi phục dựng khu Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận ở Sa Lôn. Dù một bên ở vùng sình lầy với rừng ngập nước và một bên là ở vùng núi cao, rừng rậm rạp.

Sa Lôn được biết đến trước hết đây là di tích lịch sử cách mạng đầu tiên được phục dựng ở Bình Thuận. Trên cơ sở khoa học là những nhân chứng sống, đồng thời là những người trực tiếp hoạt động ở đây trong những năm tháng chống Mỹ còn lại khá đông. Thứ hai là các nguồn tài liệu nói về khu căn cứ khá chính xác và phong phú; thứ ba là di tích vật chứng (di tích gốc) vẫn còn nhiều dấu tích, địa điểm cụ thể những căn hầm của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, hầm của các cơ quan đầu não của tỉnh, những giao thông hào, ụ đất và những cánh rừng nguyên sinh từng chắn mắt quân thù bảo vệ cách mạng. Thời gian trước khi lấy tài liệu từ các cựu chiến binh từng hoạt động ở đây, có người cho biết nhờ khu rừng này mà trực thăng Mỹ Ngụy dùng cánh quạt trên nóc hầm nhưng không phát hiện ra. Thứ tư là sau nhiều năm nghiên cứu bàn cách, chọn địa điểm để phục dựng di tích, Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành đã tổ chức nhiều đợt tọa đàm, hội thảo kết hợp nhiều đợt khảo sát thực địa, để cuối cùng thống nhất chọn Căn cứ Sa Lôn để phục dựng.

Một trong những nội dung quan trọng trong các cuộc hội thảo được lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là các cựu chiến binh từng sống và chiến đấu ở đây là phải tận dụng tối đa các yếu tố cấu thành di tích gốc như hầm hào, cây gỗ làm hầm, lán trại; nhất là phải lợp bằng lá trung quân mà thời kháng chiến từ căn cứ Tỉnh ủy ở km 36 đến Khu căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn và ở Bình Tuy đều dùng.

Như nói ở trên, đây là di tích lịch sử cách mạng đầu tiên được phục dựng ở tỉnh ta cũng là dự án được coi là lớn, với diện tích 14,8 ha (1,01 ha là khu vực di tích gốc) nằm trong rừng Sa Lôn và lớn về kinh phí với tổng mức đầu tư lên tới 127 tỷ đồng. Hiện nay dự án đang từng bước hoàn thiện các công trình phụ (các công trình phát huy giá trị di tích bên ngoài), còn khu vực di tích gốc đang trong quá trình hoàn thiện.

Đây chính là phần hồn của di tích này, bởi nó liên quan trực tiếp đến giá trị lịch sử, nơi lưu dấu những sự kiện về hoạt động của Tỉnh ủy Bình Thuận qua nhiều giai đoạn trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy việc tu bổ, tôn tạo và phục dựng di tích đặc biệt này cần phải được kiểm soát một cách chặt chẽ, đòi hỏi đội ngũ quản lý và thực hiện có đủ năng lực chuyên ngành, có khả năng hiểu, thẩm thấu những giá trị lịch sử trong kháng chiến và nắm rõ các nguyên tắc bảo tồn, tu bổ di tích. Việc tu bổ phục dựng cũng phải hết sức thận trọng trong từng chi tiết, kể cả các loại vật liệu dùng để tu bổ, phục dựng. Đừng để làm mất đi hồn cốt của di tích xưa và phải thật thuyết phục khi hoàn thành dự án.

Làm sao đó để những người hoạt động cách mạng năm xưa đến đây cảm thấy ấm lòng khi những căn hầm họ từng đào cho lãnh đạo Tỉnh ủy làm việc và trú ẩn. Những lán trại lợp lá trung quân, từng đoạn giao thông hào đất len lỏi trong căn cứ đến khu bếp ăn, suối nước… dù đã bị thời gian bào mòn làm mất hết dấu tích khi phục dựng lại vẫn như xưa. Sau nữa là để cho lớp trẻ hôm nay và mai sau thấy được thực tế cuộc sống trong khu căn cứ thời kháng chiến chống Mỹ của ông cha. Được như vậy, đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng lý tưởng và hấp dẫn cho thế hệ trẻ hơn bất cứ nguồn tài liệu sách vở nào.

Nguyễn Xuân Lý