Nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho nhóm hàng thủy sản

Kinh tế - Ngày đăng : 08:31, 13/12/2017

BT- Bình Thuận là tỉnh có lợi thế về phát triển kinh tế biển, trong đó chế biến thủy sản xuất khẩu đang được địa phương triển khai các giải pháp nhằm nâng cao kim ngạch cho nhóm hàng này.
                
      
   Các doanh nghiệp tham gia chế biến thủy sản xuất khẩu    tại Bình Thuận đều chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để từng    bước mở rộng thị trường. Ảnh: Đ.Hòa

Hoàn thành mục tiêu

Theo dự ước của ngành công thương, năm 2017 hoạt động xuất khẩu nhóm hàng hải sản được 142 triệu USD (tăng xấp xỉ 8% so năm 2016), nhờ các doanh nghiệp chế biến đã chủ động được nguồn nguyên liệu và có đơn đặt hàng ổn định… Hướng đến năm 2020, Bình Thuận đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng hải sản lên 160 triệu USD và tham gia giải quyết việc làm cho 74.000 người.

Để hoàn thành mục tiêu trên, địa phương phấn đấu đưa sản lượng hải sản khai thác đạt 200.000 tấn, sản lượng cá và đặc sản nuôi lên 16.000 tấn vào năm 2020. Đồng thời cũng xác định xây dựng và phát triển 4 vùng sản xuất thủy sản nước lợ và trên biển tập trung, bao gồm: khu vực Tuy Phong, Phan Thiết, Hàm Tân, Phú Quý. Trong đó xây dựng huyện đảo Phú Quý trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ bằng việc chú trọng phát triển hợp lý về quy mô khai thác, bảo quản, sơ chế và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng nghề cá của tỉnh như các cảng cá (Phan Thiết, La Gi, Phú Quý, Phan Rí Cửa), khu chế biến thủy sản xuất khẩu (Nam cảng cá Phan Thiết, Phan Rí, La Gi), chợ thủy sản đầu mối (Phan Thiết, Phú Quý) hoặc chợ cá chuyên doanh hải sản (La Gi, Phan Rí, Mũi Né)… 

Gỡ vướng “thẻ vàng”

Thực tế cho thấy, trên địa bàn Bình Thuận có gần 50 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản nhưng đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đơn vị cùng ngành nghề trong lẫn ngoài nước. Thêm vào đó, không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau khi Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với thời gian 6 tháng (từ 23/10/2017 - 23/4/2018). Trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, khi đó có thể lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường châu Âu sẽ được áp dụng. Và không riêng EC, được biết ngay từ ngày đầu năm mới 2018, Mỹ cũng đưa quy định liên quan đến việc chống nạn đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) trong giám sát sản phẩm hải sản nhập khẩu.

Ứng phó với cảnh báo từ EC, vừa qua Tổ công tác IUU của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã về Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận tìm hiểu hoạt động nghề cá cũng như trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan… Trước nguy cơ mất thị trường tiềm năng, các địa phương rất cần sự quan tâm của các bộ ngành, đơn vị chức năng hỗ trợ tập huấn, tuyên truyền mạnh mẽ hơn đến cộng đồng ngư dân. Đặc biệt trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nghề cá, ngư cụ khai thác, vùng khai thác, cảng cá, sản lượng nguyên liệu hải sản, doanh nghiệp thu mua, chứng nhận khai thác…

Trong thời gian tới, muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng thủy sản thì Bình Thuận cần có giải pháp gỡ vướng “thẻ vàng” từ EC. Đó là xúc tiến thống kê, lập danh sách các chủ tàu thuyền khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển bị bắt giữ để có hình thức xử lý nghiêm khắc, tiến tới ngăn chặn và chấm dứt trường hợp tái diễn. Thêm nữa bắt buộc các chủ tàu thuyền phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, mở máy 24/24 để phục vụ giám sát hoạt động trên vùng biển đánh bắt hay xác nhận nguồn gốc hải sản… Bên cạnh đó, tỉnh sớm quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm hải sản đặc thù của Bình Thuận, khuyến khích, hỗ trợ mở rộng ứng dụng khoa học - công nghệ về giống cũng như quy trình sản xuất các sản phẩm có lợi thế, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP nhằm nâng cao chất lượng xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước.

Đ.QUỐC