Dấu ấn 30 năm. Bài 2: Xây dựng nền hành chính vì dân

Xã hội - Ngày đăng : 07:31, 17/03/2022

Ngoài việc chăm lo đời sống nhân dân, giải quyết các vấn đề xã hội, Bình Thuận còn nỗ lực, chủ động, sáng tạo thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, chuyển dần từ cơ chế "xin - cho" sang xây dựng chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Từ thực tế...

Là cán bộ, công chức thập niên 90, bà Lê Thị Tiêm, 68 tuổi, ở phường Xuân An còn nhớ như in nỗi khổ thời còn làm nhân viên thu tiền nhà, đất của Công ty Nhà Đất thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận. “Hồi đó, Phòng Tài vụ phát cho cuốn hóa đơn thu tiền và cuốn sổ cái. Sau khi đi thu tiền từ các khu nhà ở tập thể; nhà của những người vượt biên Nhà nước tịch thu rồi cho thuê... rồi mang cùi phiếu thu về kê chi tiết ngày, tháng, số tiền thu vào sổ cái, cộng lại xem tiền đủ, thiếu. Chưa xong bà còn tiếp tục lập một bảng thu chi tiết kèm theo tiền thu, nộp cho phòng tài vụ...”, bà Tiêm nói.

20220217_164255.jpg
Người dân đến “một cửa” ở bất cứ công sở nào cũng được phục vụ tận tình.

Với bà Trần Thị Châu gần 70 tuổi, nguyên Bí thư, hiện là Trưởng khu phố 10, phường Phú Thủy, từng là Cửa hàng trưởng Cửa hàng 2/9 thuộc Công ty ăn uống, khách sạn, dịch vụ Bình Thuận, nơi đã sáp nhập vào Công ty cổ phần khách sạn 19/4 chia sẻ: “Trước kia, các cơ quan hành chính chưa có bộ phận “một cửa”, cũng chẳng có kênh nào để tìm hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục hành chính nên người dân cần làm bất cứ thủ tục gì đều phải lên phường, sở, ngành hỏi trực tiếp. Khi đó công dân đến phường hỏi phòng này lại được chỉ sang phòng kia, rồi đợi chờ nhiều ngày mới được việc là bình thường. Ngày nay chỉ cần đến phường hoặc Trung tâm Hành chính công là được giải quyết, nhanh gọn”.

Nỗi khổ của bà Tiêm, bà Châu và của nhiều công chức khác, cả người dân sống thời kỳ này, ai cũng có thể mường tượng. Nó đã lùi vào quá khứ kể từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 136/2001 phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 ra đời. Tuy quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các xã, thị trấn thiếu thốn trang thiết bị; trình độ cán bộ, công chức cấp xã không đồng đều; việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin còn hạn chế… nhưng cũng đã khá hơn.

Nỗ lực tháo gỡ

Trước thực tế đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động đề xuất các mô hình, sáng kiến để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cải cách hành chính, góp phần phục vụ tốt tổ chức, cá nhân. Theo báo cáo Tổng kết Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020: Từ năm 2010, UBND tỉnh ban hành hàng loạt văn bản bao gồm: Quyết định 1776/2010/QĐ-UBND về Đề án cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Sở LĐTB& XH, giải quyết TTHC 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Cùng năm ban hành Quyết định 1708/QĐ-UBND về trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế một cửa liên thông từ xã, phường, thị trấn đến huyện, thị, thành phố và sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Trong khi chưa có văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh đã chủ động nghiên cứu ban hành Quyết định số 30/2013 về Quy chế phối hợp liên thông về TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch, BHYT, đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn nhiều đề án thí điểm triển khai chính quyền điện tử, nâng cấp bộ phận một cửa, ký kết với zalo công khai thủ tục, tiến độ giải quyết TTHC trên ứng dụng...

Vì dân phục vụ

Đáng chú ý, trong chuỗi hoạt động xây dựng nền hành chính vì dân, tỉnh đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, nền tảng chính quyền điện tử cơ bản đã được hình thành, nhận thức và ý thức của cán bộ, công chức cũng như người dân về ứng dụng công nghệ thông tin chuyển biến rõ rệt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tính đến năm 2021 đã được triển khai tại 17/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 10/10 đơn vị cấp huyện và 124/124 xã. Tổng số thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh, 498/1.758 thủ tục, trong đó 239 dịch vụ công mức độ 3 và 259 mức độ 4...

Chưa bằng lòng với kết quả đó, Bình Thuận xây dựng và phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0 đảm bảo yêu cầu, đồng bộ theo tinh thần hướng dẫn Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ TT&TT. Xây dựng và đưa vào hoạt động trục kết nối liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu quy mô cấp tỉnh theo hình thức thuê dịch vụ nhằm triển khai kết nối liên thông và tích hợp dữ liệu 2 hệ thống: phần mềm quản lý văn bản, điều hành; một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến ở 4 cấp gồm Chính phủ, tỉnh, huyện, xã. Xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn 2030”. Hoàn thành cung cấp Cổng dịch vụ công thống nhất chung toàn tỉnh để công khai TTHC, kết quả giải quyết hồ sơ cho nhân dân cũng như tổ chức, doanh nghiệp tra cứu.

Đó chính là sự quyết tâm của Bình Thuận trong việc cải thiện đời sống nhân dân bằng sự phục vụ tận tình, chu đáo, xây dựng nền hành chính vì nhân dân. “Nói gì thì nói, Đảng bộ tỉnh nhà đã nỗ lực chăm lo cho nhân dân rất nhiều mới để lại dấu ấn cuộc sống tốt đẹp hôm nay. Dĩ nhiên trong quá trình thực hiện sẽ có những chệch choạc... Vấn đề này thời nào cũng có, nhưng sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn”, ông Huê nhìn nhận.

Theo đánh giá chung về CCHC giai đoạn 2011 – 2020 tại báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn này, định hướng giai đoạn 2021 – 2030: Cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông từng bước đi vào ổn định, rút ngắn thời gian giải quyết, cập nhật công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...

Ninh Chinh