Có sự đồng thuận sẽ linh hoạt tổ chức học bán trú

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:07, 18/03/2022

Trẻ mầm non đến trường một buổi hay cả ngày không khác nhau nhiều về phòng dịch Covid-19. Dù học 1 buổi hay cả ngày, thì trẻ vẫn có khả năng lây nhiễm.

Sĩ số giảm sâu

Những ngày qua, nhiều phụ huynh đau đầu sắp xếp công việc, tất tả ngược xuôi đưa đón trẻ tan lớp vào tầm 10 - 10g30 sáng để chăm sóc con trong nửa ngày còn lại. Vì vậy, không ít phụ huynh có con ở tuổi mầm non không đưa trẻ đến trường và tìm hướng nhờ ông bà, người thân chăm giúp. Mỗi lớp ghi nhận sĩ số từ 8 -10 trẻ, lớp nào đông nhất thì sĩ số 20 trẻ. Mặc dù học 1 buổi, các trường mầm non vẫn ghi nhận trẻ và giáo viên nhiễm Covid-19. Chẳng hạn trong ngày 14/3, toàn tỉnh có 107 giáo viên mầm non và 52 trẻ bị nhiễm Covid-19.

nh-nl-1-.jpg

Khi phát hiện lớp có trẻ F0, thì nhà trường cho lớp đó nghỉ ở nhà 1 tuần theo quy định. Và nhiều trường mầm non công lập hiện nay có mức sĩ số dưới 30%, giảm so với các tuần trước đó. Bình quân chung của toàn tỉnh trẻ đến trường mầm non là khoảng 40%. Tình hình như trên, các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ chưa tổ chức đón trẻ trong thời gian này.

Kéo theo nhiều khó khăn

Một số chủ cơ sở chia sẻ: Tổ chức học 1 buổi chỉ phù hợp với hệ thống trường mầm non công lập. Riêng mầm non tư thục, phụ huynh không gửi trẻ 1 buổi. Phụ huynh chấp nhận ở nhà chăm con, vì khó tìm việc giữa ngày. Thời gian nghỉ tránh dịch kéo dài, các trường mầm non tư thục tranh thủ vay tiền ngân hàng, đầu tư sửa chữa, xây mới, với hy vọng đón trẻ sau tết. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng, nên trẻ học 1 buổi/ngày theo quy định. Vì thế, chủ cơ sở mầm non đang vất vả lo khoản vay, lãi suất cho việc đầu tư cơ sở. Nếu cơ sở thuê mặt bằng, thì cũng phải trả tiền thuê 10 triệu đồng/tháng dù không hoạt động (do ký hợp đồng thuê nhà dài hạn phải chấp nhận).

Bên cạnh đó, giáo viên ở mầm non tư thục, nhân viên cấp dưỡng ở công lập và tư thục đều không có lương. Các cô phải chuyển sang làm nghề khác như bán hàng, phục vụ quán ăn… để có nguồn thu nhập trang trải trong gia đình. Tuy nhiên, không dễ tìm việc làm khác trong tình hình hiện nay, nhiều cô phải chịu cảnh thất nghiệp. Chị Hồ Thị Thu - nhân viên cấp dưỡng của Trường mẫu giáo Tiến Lợi cho biết: Bắt đầu hè năm 2021, chị đã chấm dứt hợp đồng lao động mãi cho tới bây giờ chưa được ký lại do dịch bệnh, trường không tổ chức học bán trú; đồng nghĩa chừng ấy thời gian chị Thu không có lương. Cả 4 người trong gia đình bấu víu vào đồng lương công nhân của chồng 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, 2 đứa con đều ở tuổi ăn học, không biết xoay xở ra sao. Riêng bản thân chị, ai thuê gì làm đó như nhổ cỏ, lau dọn, phụ bếp, may vá quần áo cũ… để phụ giúp cùng chồng. Chị Thu mong dịch bệnh sớm ổn định để có việc làm.

non-xa-l-4-.jpg
Trẻ mầm non xã Tiến Lợi, Phan Thiết đến trường. Ảnh: N.Lân

Cần có sự đồng thuận

Trẻ mầm non không đến trường sẽ không được tiếp cận sớm với môi trường giáo dục để phát triển tốt về ngôn ngữ, thể chất, nhận thức và nhất là kỹ năng giao tiếp xã hội. Ở nhà, trẻ chỉ được tiếp xúc với người thân, khả năng tiếp xúc không nhiều. Ông bà thường chiều trẻ, cho trẻ xem ti vi, điện thoại hoặc tự chơi một mình. Điều này dẫn đến hạn chế khả năng tiếp thu kiến thức, sự tự tin, cách giao tiếp trong môi trường tập thể. Theo đó, chế độ dinh dưỡng cũng không theo sự phát triển của trẻ, trẻ ít vận động cũng sẽ làm cơ thể trẻ phát triển không tốt. Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ khá cao. Nguyên nhân một phần là do cha mẹ bận đi làm lo cuộc sống mưu sinh, giao trẻ cho ông bà, người giúp việc, trẻ không được giao lưu với môi trường bên ngoài nhiều. Đó là phân tích của các chuyên gia.

Từ thông tin trên cho thấy dịch Covid-19 làm ảnh hưởng mọi mặt trong đời sống xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng: Trẻ mầm non đến trường một buổi hay cả ngày không khác nhau nhiều về phòng dịch. Không tổ chức bán trú khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, không thuận tiện trong mọi hoạt động hàng ngày. Đề xuất ngành giáo dục Bình Thuận vừa phòng dịch trong trường, vừa tạo điều kiện trẻ được tiếp cận môi trường học bán trú, cũng là tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm làm việc, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại cuộc họp trực tuyến về phòng, chống Covid-19 của tỉnh vào chiều 16/3, những khó khăn về trẻ mầm non học 1 buổi được nêu ra. Ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, tỷ lệ trẻ học mầm non học 1 buổi rất thấp, phần lớn phụ huynh không đưa trẻ đến trường. Dù học 1 buổi hay cả ngày, thì trẻ vẫn có khả năng lây nhiễm. Nếu có dịch, trường là nơi đóng cửa trễ nhất; ngược lại, trường học cũng là nơi mở cửa sớm nhất. Sắp tới, sở sẽ có văn bản chỉ đạo cho các trường tiểu học, mầm non, cơ sở giáo dục tổ chức học 2 buổi/ngày. Các trường tổ chức học bán trú, thì phải có sự đồng thuận cao của phụ huynh.

Trang Minh