Khoảng lặng Cam Bình

Du lịch - Ngày đăng : 06:15, 18/03/2022

Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại bãi tắm Cam Bình, nhưng Mũi Đá ấy, bãi Cát ấy, rừng dương và những bông tràm vàng nở li ti trong nắng, vẫn nguyên vẹn trong tôi nét thơ mộng, hoang sơ của những lần về biển.
cam-binh-3-.jpg
Biển Cam Bình được nhiều doanh nghiệp đầu tư du lịch dã ngoại. Ảnh: N.Lân

Cam Bình một phần thịt xương của đất lửa anh hùng Quảng Trị. Gần năm mươi năm trước, người dân Quảng Trị gồng gánh mang theo những tên ấp, tên làng vào Bình Tuy (nay là La Gi, Bình Thuận) lánh bom đạn. Những Cam Lộ, Đông Hà, Gio Linh được họ nâng niu gìn giữ mãi đến giờ. Ai một chuyến du Nam về La Gi, buổi chiều nào đó dạo chơi với biển, bất ngờ nghe gọi Cam Bình, lòng sao khỏi thẩn thờ nhớ da diết Quảng Trị. Cam Bình trước đây thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, sau nhiều đợt sáp nhập rồi chia tách, năm 2005 Cam Bình ra riêng về với xã mới Tân Phước trực thuộc thị xã La Gi. Lên thị xã, về với xã mới nhưng hai chữ Cam Bình luôn nợ duyên với người dân Quảng Trị nơi đây.Tôi còn nhớ cách đây không lâu, khi Cam Bình còn thuộc xã Tân Thiện, các anh lãnh đạo xã muốn đổi tên bãi tắm thành bãi Mũi Đá. Nhưng ý nguyện ấy không thành, bởi hai chữ Cam Bình đã máu thịt với người dân nơi đây tự lâu rồi, cũng như giữa đất Mỹ có phố Sài Gòn, giữa Sài Gòn có đường Hà Nội. Âu đó cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Đất Cam Bình, Sơn Mỹ xưa kia là vùng rừng nguyên sinh với nhiều loài gỗ quý như sao, chò, chàm lanh, dầu rái... Trong những năm đầu thập niên bảy mươi, chính quyền Sài Gòn đã cho khai hoang trắng. Toàn bộ đất đai màu mỡ bị ủi gom lại, theo năm tháng nhựa đất bị bào mòn và cuốn trôi ra biển. Người dân Cam Bình sống trên vùng đất vừa bạc màu vừa bị nhiễm mặn, mấy mươi năm dài gian nan nước uống. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi thỉnh thoảng người Cam Bình, Sơn Mỹ bỏ quê ra đi, hoặc từng ngày lầm lũi đốt than kiếm sống. Không có ruộng lúa, đất đai lại xấu, trồng được củ khoai, củ mì cũng chẳng trơn tru gì, thân thể chúng đầy những vết thương do sùng cắn phá. Cuộc sống của bà con đành bám víu vào cái bãi ngang Cam Bình. Giờ lên thị xã cái bãi ngang heo hút ngày xưa thành điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của La Gi.

Tháng hai gió biển hiền hòa mơn man da thịt. Nắng chảy vàng nhưng không bức rức. Theo quốc lộ 55, dừng lại ở đoạn eo dốc Sơn Mỹ, theo con đường nhựa rẽ hướng đông. Đây bãi tắm Cam Bình. Rừng dương mát rượi, bãi cát phẳng lì, biển xanh mơ trải rộng. Vài con nhạn biển chao cánh bay qua. Ai đó xõa tóc dài nghiêng nghiêng trong gió. Xa xa những chiếc thúng chài nhấp nhô trên sóng. Biển Cam Bình hoang sơ và lãng mạn, dịu dàng và e ấp. Bên gốc dương già, chúng tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa. Tuổi bốn, năm mươi đôi thằng bạn vết thời gian hằn trên da mặt, tóc pha sương, chân mỏi nửa chặng đời. Ly rượu gạo nghe cay nồng nỗi nhớ.

Cam Bình bây giờ đang trở thành bãi tắm đẹp, thu hút nhiều khách thập phương từ các nơi đến vui chơi tắm biển. Nhưng bên cạnh những rộn ràng tấp nập ấy, ngoài kia, trên muôn trùng sóng vỗ, vẫn còn biết bao người đang từng đêm chèo chống giữa biển khơi để kiếm sống qua ngày, chúng tôi vẫn gọi với nhau ấy là “đời thúng”.

Khi màn đêm buông xuống, những ngư dân nghèo ở ven biển lại bắt đầu vào việc. Trên những chiếc thúng chai họ lặng lẽ khua dầm ra khơi kiếm cá. Hành trình biển của họ cách bờ vài cây số. Ở đó mỗi ngư dân với chiếc thúng vừa bơi vừa thả lưới, cũng có thể chong đèn câu tôm, mực. Chín giờ sáng hôm sau, họ lại bơi thúng vào bờ với mớ cá, tôm, ốc, mực... Họ bán ngay tại bãi. Năm bảy chục, một trăm ngàn đồng, tùy thuộc bữa có, bữa không. Số tiền ấy họ mang về nuôi vợ, nuôi con. Cuộc sống cứ thế, đắp đổi qua ngày.

Nguyễn Văn Tiến, một ngư dân tuổi trạc 45 nói với tôi: Nhà anh nghèo lắm, vợ bệnh, con đông, không có tiền sắm ghe thuyền có công suất để ra khơi, đành chèo thúng ven bờ thả lưới dầm kiếm cá. Vâng, họ rất nghèo, cuộc sống gia đình chỉ biết bám víu vào mảnh lưới với chiếc thúng chài đêm đêm lắc lư trên sóng. Hạ giọng buồn buồn anh ngư dân tiếp lời tâm sự: - Suốt mấy đêm nay mưa động, lại sóng lớn, gió to, nên mỗi chuyến chỉ lưới được vài cân cá tạp, bán không đủ tiền mua gạo. Tôi lặng thinh, đưa mắt nhìn xóm thúng nghèo nằm đìu hiu bên động cát, nhìn mấy em bé ở trần, ốm tong teo, tóc hoe vàng đi liêu xiêu trong gió, lòng dâng lên nỗi buồn vời vợi.

Cũng tương tự như bãi ngang Cam Bình, Đồi Dương, ngảnh Tam Tân, thị xã La Gi hàng đêm ba, bốn trăm chiếc thúng của ngư dân nghèo vẫn âm thầm bám biển. Nghề của họ là thế, gian nan và cơ cực lắm, nhưng biết sao, bỏ biển một đêm là gia đình phải vay nợ. Nhiều khi biển động, gió to họ vẫn liều mình lắc thúng. Tuy đánh bắt ven bờ bữa có, bữa không nhưng bù lại sản phẩm của họ rất được khách hàng ưa chuộng. Đến các bãi ngang bao giờ cũng gặp cánh lái buôn ngồi chực sẵn. Cá tạp họ mua về bán chợ, tôm, ốc, mực, các loại cá có giá trị, bán để xuất khẩu, bán cho các nhà hàng hoặc bán trực tiếp cho du khách. Mỗi người năm, bảy kg cộng lại sản lượng bãi ngang mỗi ngày không dưới vài ba tấn.

Bất chợt tôi nghĩ, nếu các điểm du lịch, các bãi tắm không có cánh quân nhà nghèo đêm đêm lắc thúng về phục vụ, hẳn niềm vui của du khách cũng sẽ nghèo đi nhiều.

Lan man, rồi lúc nào không hay, câu chuyện của những người bạn Cam Bình với tôi lại chuyển qua đề tài “học”. Được nói chuyện “học” với họ quả là sự thú vị vô cùng. Thú vị với người nghe về những tấm gương vượt khó, về tinh thần hiếu học, thú vị với người kể bởi niềm hãnh diện cho quê hương. Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, khi Cam Bình chưa được chia tách, trong một lần ngồi nói chuyện “học” với Bí thư Đảng ủy Sơn Mỹ Phan Văn Ngô, anh đã có một thống kê hết sức lý thú: Rằng sau gần ba mươi năm giải phóng, dân Cam Bình, Sơn Mỹ tuy còn đói nghèo đến ray rứt, nhưng mấy ai biết được từ vùng đất cằn cỗi này, hàng chục bác sĩ đã tốt nghiệp và phục vụ tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, hàng trăm giáo viên ra trường đang giảng dạy ở các cấp, hàng chục phóng viên báo chí làm việc tại các tòa soạn, rồi con số hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đó còn chưa nói những người tham gia trong bộ máy chính quyền, quân đội, công an... Con số ấy bây giờ có thể đã tăng lên rất nhiều. Về Cam Bình, Sơn Mỹ chẳng khó khăn gì để tìm ra một nhà có bốn - năm người tốt nghiệp đại học, hoặc hai - ba bác sĩ đang làm việc ở những bệnh viện lớn tại TP. HCM. Anh Nguyễn Văn Bảng nguyên Phó Chủ tịch xã là một điển hình có 2 con tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi đang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Gia đình thầy giáo Hỗ, ngoài 5 người con đều tốt nghiệp đại học, nếu tính luôn cả dâu, rể, cháu con số này chắc chắn không dưới mười lăm...

Nhớ lại thời bao cấp, người Cam Bình, Sơn Mỹ đói không có khoai, bắp để ăn, vậy mà thi vào đại học đỗ một lúc hai mươi em. Một nhà báo về công tác ở Cam Bình, khi đạp xe lên con dốc cao ở đầu xã đã nói vui rằng “đây là đường lên đại học”.

Vậy đó! Người Cam Bình, Sơn Mỹ hẳn còn nghèo về kinh tế, nhưng lại giàu về trí thức, niềm tự hào cho quê hương Quảng Trị về tính hiếu học, sự chịu khó vươn lên.

Trong cảnh nguyên sơ bình lặng của một chiều Cam Bình lộng gió. Ông bạn nhà giáo họ Hoàng chiêu đãi chúng tôi món cá bò hòm nướng chấm muối tiêu chanh và món cá khoai nấu phớt. Con cá bò hòm da xù xì nom giống chiếc tàu ngầm, vậy mà khi nướng chín, tướt thịt chấm muối tiêu mới thật tuyệt vời. Cá khoai thân dài, thịt và xương đều mềm, khi cá còn tươi ướp gia vị nấu phớt hành ngò, vừa ăn vừa thổi, ngon ơi ngon.

Khi men đã ngấm, bạn tôi với chất giọng Quảng Trị say sưa kể chuyện văn, chuyện đời của Hoàng phủ ngọc Tường. Trong chiều sâu câu chuyện, tôi biết anh bạn nhà giáo họ Hoàng ít nhiều cũng có mối quan hệ họ hàng với nhà thơ Hoàng Phủ và chính hai chữ Cam Bình nơi đây đã gợi cho anh nhớ cảnh, nhớ quê. Tôi buộc miệng đọc mấy câu thơ mà tôi đã được xem đâu đó từ thời xa lơ, xa lắc:

“...

Nhịp cầu Hiền Lương nay gãy nát

Như khát vọng hòa bình

Nhĩ Thượng, cửa Tùng mênh mông sóng cát

Giờ là pháo lũy đồn canh …”

Thơ viết lúc miền Nam còn bị chia cắt, chẳng biết câu từ đúng hay sai, tác giả là ai? Còn cầu Hiền Lương bây giờ đã được làm mới. Biết vậy nhưng bạn tôi vẫn thừ người khen hay và trong đôi mắt hình như có giọt buồn lăn ướt.

Một ngày với biển trôi nhanh.Chiều thả nắng ưu tư xuống rừng dương trầm lặng. Tiếng sóng biển mài mòn trên cát. Vi vu trong gió chập chờn điệu ru muôn thuở. Du khách ra về. Biển còn lại một mình trống vắng.

Ngô Văn Tuấn