Thời tiểu học khó phai

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:43, 18/03/2022

Tôi sinh và lớn lên ở xã Hàm Mỹ - huyện Hàm Thuận Nam. Nhà tôi nằm trong xóm hộ, đa số là lao động nghèo, gia đình đông con. Kế bên là làng Văn lâm với những gia đình của người Bắc di cư vào Nam sinh sống là những con người chân chất, thật thà.

Quê tôi, lúc bấy giờ hàng năm chỉ dựa vào một vụ lúa nước trời; cuối tháng ba khi lúa đã xuống giống, công việc làm kiếm tiền thêm chủ yếu là đi lấy măng rừng về làm măng chua bán cho thị trường chợ cá Phan Thiết. Đám con nít chúng tôi chơi và học tiểu học lẫn lộn cả hai miền Nam – Bắc, nên khi chơi với chúng tôi tụi nó bắt chước nói giọng Nam, còn về nhà ôi thôi thì giọng Bắc rặc và 100% bọn chúng đều phải đi nhà thờ.

screenshot_1647560817.png

Tôi học cấp một vào những năm 1977 – 1982 nghe giọng Bắc riết rồi cũng quen, cũng phân biệt được một số câu chuyện đơn giản. Cái chung của lũ trẻ chúng tôi là chơi với nhau, rượt nhau đuổi bắt lúc nghỉ giải lao giữa giờ học đầy nắng gió. Hồi ấy, đứa nào may mắn sinh ra trong gia đình khá giả thì có được ít tiền ăn cà rem, uống nước mía giải khát những lúc ra chơi hoặc sau khi tan trường. Phải nói rằng, thời ấy nóng nực mà có được cây cà rem để mút hoặc ly nước đá thì thích lắm. Trẻ con với nhau hai đứa gặm, cắn chung một khúc mía; mút chung một cây cà rem là chuyện bình thường; không có dịch bệnh lây lan, không cần vệ sinh rửa tay, rửa chân mà chỉ “phủi phủi” là xong mọi chuyện khi bị bùn đất lấm lem. Trường tiểu học khi tôi theo học gọi là trường Hàm Mỹ 3, toàn xã có 3 trường cấp một; trường Hàm mỹ 3 chỉ dành riêng cho làng Văn lâm, nhưng xóm hộ của tôi ở gần đó nên được học chung với những đứa trẻ con những người Bắc di cư vào. Toàn trường có 5 phòng học, với 5 lớp, mỗi khối có 1 lớp chỉ học buổi sáng; buổi chiều chỉ có lớp bồi dưỡng học sinh giỏi lớp cuối cấp. Tôi để ý, khi học hết lớp 5, đa số các bạn ở làng Văn lâm đều muốn nghỉ học, vì lên lớp 6 phải sang trường miền nam (đó là cách nói của các bạn làng Văn lâm). Năm tôi học lớp 6, toàn làng Văn lâm vào lớp 6 hơn 20 người, nên phải nhập khoảng 12 đến 15 người nữa mới được một lớp và xóm hộ chúng tôi là những học sinh tiếp tục đồng hành cùng các bạn miền Bắc. Sống với nhau lâu dần rồi cũng quen, giọng nói dần dần cũng dễ nghe hơn, rồi cũng hiểu ít nhiều về phương ngữ và phong tục tập quán của các bạn miền Bắc. Khi đã hiểu nhau rồi, thì chúng tôi trở thành những người bạn thân thiết, đi học cùng chở nhau trên một chiếc xe đạp, cùng chơi với nhau trong giờ ra chơi. Đặc biệt, các bạn ấy đá banh rất hay và có đầu óc tổ chức tốt; đó cũng là một nét tiến bộ so với các bạn cùng trang lứa, vì họ có những buổi sinh hoạt tập thể vào ngày thứ bảy và chủ nhật ở nhà thờ và nơi vui chơi giải trí. Người lao động làng Văn lâm dù có bận trăm công ngàn việc chăng đi nữa thì chiều thứ bảy cũng về sớm, chủ nhật ở nhà nghỉ ngơi đi nhà thờ và có nhiều hoạt động văn hóa tập thể.

Nghĩ đến đây, những thanh âm từ trong quá khứ đầy cực khổ, nắng gió của tuổi thơ, tuổi trẻ với những niềm vui khó tả lại hiện về trong tôi. Cái miền ký ức nhiều gian nan, nhưng bù vào đó những trò chơi ngộ nghĩnh trong cuộc sống nơi làng quê dấu yêu đầy huyền thoại. Trở về cùng ký ức bâng khuâng, hoài niệm, tôi như sống lại cả một thế giới tuổi thơ của một thời đáng nhớ. Các bạn miền Bắc của tôi dần dần cũng đã nghỉ học về phụ giúp gia đình trong cuộc sống, còn lại một vài bạn khi xong tốt nghiệp cấp trung học cơ sở rồi cũng chia tay mái trường, xa rời sách vở về với cuộc sống nông dân nơi có nhiều ruộng đồng và đồi núi.

Sau tết về thăm quê, ghé thăm lại mái trường tiểu học năm xưa, bây giờ đã khang trang sạch đẹp trên khuôn viên ngày cũ. Tôi thấy lòng mình xao xuyến bởi thời gian hơn 40 mươi năm không làm phai mờ những kỷ niệm bình dị một thời niên thiếu, mà còn làm khắc sâu thêm những ký ức thân thương trong quá khứ. Một miền ký ức tuổi thơ đã theo tôi một chặng đường dài, chẳng bao giờ quên. Đang trong giờ ra chơi, nhưng sân trường vắng bóng trẻ nô đùa, cũng bởi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khó lường; các cháu đến trường phải thực hiện nghiêm túc “5K” theo quy định chung của Chính phủ. Đứng trước mái trường thân thương của một thời niên thiếu, tôi thầm mong đại dịch sớm qua mau để trả lại không gian vui nhộn, đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ trong những ngày cắp sách.

Đỗ Văn Cường