Bắc Bình: Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 09:02, 11/12/2017

BT- Thời gian qua, trên địa bàn huyện Bắc Bình đã có một số mô hình liên kết sản xuất hiệu quả như trồng cây ăn quả tại xã Sông Bình; trồng sen (xã Phan Hòa, Bình An); chăn nuôi bò vỗ béo (thị trấn Lương Sơn). Đặc biệt, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp tại thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao...
                
Ông Lê Văn Lĩnh tại khu đất trồng đậu.

Phủ xanh đất cát

Mảnh vườn rộng lớn của ông Lê Văn Lĩnh (SN 1969) ở thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng hiện lên trong mắt chúng tôi thật ấn tượng. Bởi bao năm nay, vùng đất này đã có tiếng về khô hạn, đất đai cằn cỗi, nhưng nay lại được phủ một màu xanh mướt bởi nhiều loại cây trồng. Chủ nhân của mảnh vườn dẫn chúng tôi đến tham quan và giới thiệu từng loại cây mình trồng, chăm sóc 7 năm nay, với tổng diện tích  3,5 ha, trong đó 1,5 ha đất của gia đình, còn lại thuê mướn sản xuất thêm. Các loại cây ở đây bao gồm 2 ha đậu đen, 1 ha đậu phộng, 7,5 sào thanh long và 1 sào cỏ. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm 10 con bò để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Theo tính toán của ông Lĩnh, gia đình ông sản xuất bình quân mỗi năm 3 vụ, sau khi trừ chi phí còn thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Điều đáng nói là sự liên kết sản xuất của hộ ông Lĩnh và 9 - 10 hộ dân xung quanh, tạo thành một mô hình sản xuất bền vững.

Ông Lĩnh chia sẻ, khi tham gia mô hình này, bà con thống nhất xuống giống, làm đất đồng loạt, học tập kinh nghiệm lẫn nhau…nhờ đó hiệu quả sản xuất tăng lên. Cùng chung tổ liên kết với ông Lĩnh là hộ ông Biền Muôn với 2.000 trụ thanh long, 10 con bò sinh sản và 1 ha đậu các loại đang vào thời kỳ cho thu hoạch. Mặc dù vùng đất này thuộc khu vực lân cận hệ thống cấp nước Khu Lê Hồng Phong nhưng chưa được hưởng lợi. Tuy nhiên, may mắn đối với các hộ dân ở đây là có nguồn nước tưới chủ động từ các giếng nước khoan với độ sâu trên 60 m. Riêng hộ ông Biền Muôn đã đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm nước. Với những kết quả đạt được, ông Lĩnh và một số hộ khác đã được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2014-2017. 

Tự bảo vệ quyền lợi nông dân

Ông Nguyễn Minh Du- chuyên viên thuộc Hội Nông dân huyện Bắc Bình cho biết:  Các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được thành lập từ năm 2015. Đây hầu hết là các hộ nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi cấp xã, huyện. Theo ông Du, phương pháp liên kết là Hội Nông dân huyện ra quyết định công nhận, hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (từ 10-20 triệu đồng/hộ), giới thiệu doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra; phối hợp chuyển giao các mô hình sản xuất đạt hiệu quả để các hộ sản xuất như mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò vỗ béo, trồng đậu đen tiết kiệm nước, thanh long an toàn. Bên cạnh đó, các hộ tự liên kết, góp vốn khoan giếng, giúp đỡ nhau về kỹ thuật, vốn sản xuất...

Trong xu thế mở rộng sản xuất nông nghiệp hiện nay, việc các hộ nông dân có điều kiện tương đồng tất yếu phải liên kết với nhau để tạo ra nguồn tư liệu sản xuất (vốn, đất đai...), nhân công kỹ thuật, đồng thời tự bảo vệ quyền lợi của nông dân. Trong đó, vai trò của Hội Nông dân các cấp là nghiên cứu, hướng dẫn cho hội viên, nông dân thành lập, duy trì, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất có hiệu quả, phát triển những loại cây, con thế mạnh của từng vùng; tạo ra những chuỗi cung ứng - sản xuất - tiêu dùng để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tránh bị ép giá.

 Kiều Hằng