Hiệu quả bước đầu từ mô hình tre tứ quý

Kinh tế - Ngày đăng : 06:03, 22/03/2022

Âm thầm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, ông Lê Thanh Sơn, 51 tuổi (xã Tân Phước - thị xã La Gi) đã thực hiện mô hình trồng tre tứ quý trên diện tích 25 ha. Hơn 2 năm qua, mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Sơn cho biết, từ nhỏ ông đã có niềm đam mê làm nông nghiệp. Thế nhưng, diện tích đất đai của gia đình ông không màu mỡ, nhiễm phèn cộng với nằm trong vùng khí hậu ít mưa, nhiều nắng đã khiến cho ông không thành công với nhiều loại cây trồng. Mới đây nhất, trên diện tích đất của gia đình, ông đã trồng cây keo lá tràm, thế nhưng cây chậm phát triển, thu nhập kinh tế không đáng kể. Từ đó, ông trăn trở suy nghĩ tìm cây trồng nào dễ thích nghi với khí hậu hanh khô và thổ nhưỡng không màu mỡ.

Trong một lần tình cờ thấy người dân địa phương vào rừng hái măng, cộng với niềm yêu thích cây xanh ông đã suy nghĩ tại sao không trồng tre, vừa thu được sản phẩm vừa cải tạo được đất, môi trường mà còn giúp nhiều người dân có công ăn việc làm. Nghĩ là làm, ông đã âm thầm tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và quyết định trồng giống tre tứ quý. “Tôi chọn trồng giống tre tứ quý vì nó cho ra măng quanh năm, trong khi những loại tre khác chỉ ra một mùa. Hơn nữa ra nghịch vụ nên giá thành sẽ cao, thu nhập sẽ ổn định hơn”, ông Sơn chia sẻ về quyết định trồng tre tứ quý của mình.

hinh-tre-3.jpg
Những bụi tre phát triển xanh tốt trên vùng đất bạc màu

Với diện tích 25 ha, ông Sơn trồng mỗi ha khoảng 200 bụi. Đây là cách trồng khác biệt, bởi thông thường 1 ha trồng khoảng 500 đến 600 bụi. Theo ông Sơn, giai đoạn đầu có thể thu nhập ít hơn nhưng về lâu về dài sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Hiện nay, tre tứ quý đã bước vào năm thứ 2, cho thu hoạch măng hơn nửa năm nay, đem lại giá trị kinh tế bước đầu. “Bình quân 1 gốc tre 1 ngày cho 1 kg măng. 1 gốc tre cho 300 kg măng/năm. Giá thấp nhất là 15.000 đồng/kg. Hàng chất lượng tốt, ngọt… nên được khách hàng ưa chuộng”, ông Sơn nói.

hinh-tre-2.jpg
Ông Sơn (áo sọc) đang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân trong vùng

Không chỉ vậy, do gần khu du lịch biển Cam Bình, nên ông Sơn còn có ý định hướng đến làm vườn du lịch sinh thái. Còn hiện tại, để “lấy ngắn, nuôi dài”, ông Sơn trồng tre tứ quý lấy măng theo mô hình khép kín. Đó là, măng thu hoạch sẽ bán dưới dạng còn vỏ hoặc luộc thành phẩm. Vỏ măng khi nấu chín làm thức ăn nuôi heo rừng lai và nhím; thân cây tre dùng để nuôi con nu; bột tre cho cừu ăn… Được biết, ông Sơn đang hoàn thiện nhà xưởng chế biến với công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm măng tươi, măng khô đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm nhằm tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.

hinh-tre-5.jpg
hinh-tre-4.jpg
Chăm sóc tre tứ quý

Đánh giá cao về mô hình này, ông Châu Văn Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước - thị xã La Gi cho biết: Nhiều diện tích đất của địa phương bị bạc màu, nên hiệu quả kinh tế cây trồng không cao. Qua tham quan mô hình của ông Sơn nhận thấy, giống tre tứ quý phát triển tốt, phù hợp với chất đất đồng thời giúp cho khí hậu, môi trường trong sạch, mát mẻ... Ông Sơn cũng đã giúp một số hộ dân trên địa bàn thị xã La Gi trồng hơn 15 ha tre tứ quý và sẽ hỗ trợ nông dân bao tiêu nguyên liệu khi nhà máy chế biến đi vào hoạt động trong năm nay. Hội Nông dân xã sẽ vận động các hộ trồng tre thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, từ đó nâng cao chất lượng măng tươi, ổn định đầu ra của sản phẩm.

Bảo Ngọc