Bảo vệ rừng bảo tồn thiên nhiên Núi Ông

Pháp luật - Ngày đăng : 05:52, 23/03/2022

Với hơn 24.000 ha rừng trải dài trên địa bàn 2 huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam, rừng bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo độ che phủ rừng của tỉnh. Song, nguy cơ xảy ra cháy rừng, phá rừng nơi đây vẫn hiện hữu...

Tại Tánh Linh, rừng bảo tồn thiên nhiên Núi Ông trải dài từ xã La Ngâu đến Suối Kiết, rộng 14.000 ha; 10.000 ha còn lại nằm trên địa bàn xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Những năm qua, công tác bảo vệ rừng Núi Ông được ngành chức năng, chính quyền các địa phương quan tâm, triển khai. Dù vậy, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng nơi đây vẫn diễn ra. Chỉ riêng năm 2021, lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông đã phát hiện, xử lý 17 vụ vi phạm, trong đó có 1 vụ phải xử lý hình sự. Trong 17 vụ, huyện Tánh Linh xảy ra 10 vụ (1 vụ phá rừng, 5 vụ khai thác rừng trái phép, 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 1 vụ lấn chiếm đất rừng, 2 vụ khai thác lâm sản ngoài gỗ). Huyện Hàm Thuận Nam xảy ra 4 vụ khai thác rừng trái phép, 2 vụ khai thác lâm sản ngoài gỗ. Đáng lưu ý, còn có 1 vụ khai thác trái phép 2 cây lim xanh trong rừng đặc dụng, xảy ra vào tháng 10/2021 tại tiểu khu 272 trên địa bàn xã Mỹ Thạnh. Đối với vụ án này, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác lâm sản” và khởi tố 9 đối tượng liên quan.

z3272145649331_73813a08d0a8b354165a291dcc4d73a9.jpg
Diễn tập PCCCR ở rừng bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cho biết, ngoài những vụ việc trên, từ đầu năm đến nay, trên lâm phận do Ban quản lý đã xảy ra 1 vụ phá rừng ở xã Đức Bình (Tánh Linh) nhưng thiệt hại không lớn; mùa khô năm nay chưa xảy ra cháy rừng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ diện tích rừng bảo tồn Núi Ông hiện thuộc mức độ cháy rừng cấp 3 – cấp cao. Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, đến thời điểm này tất cả các trạm thuộc ban đã thành lập tổ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Từ đầu mùa khô đến nay, khi rừng bảo tồn còn ở mức cảnh báo cháy cấp 2 – cấp trung bình, các tổ đã tổ chức đốt chần ngăn cháy lớn, cháy lan. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cũng thành lập một đội phản ứng nhanh PCCCR. Đồng thời, tổ chức diễn tập PCCCR với sự tham gia của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm và UBND các xã có rừng bảo tồn.

Được biết, rừng bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cao hơn 1.300 m. Hàng năm, cháy rừng thường diễn ra vào cuối tháng 4 - 5, xảy ra ở độ cao dưới 500 m. Nguyên nhân dẫn đến cháy chủ yếu do các hộ có đất ven rừng khi đốt dọn rẫy để lửa bén vào trong, một số vụ do người dân vào rừng bắt ong lấy mật gây ra. Dự báo trong thời gian tới, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ở Núi Ông vẫn xảy ra, nhất là hành vi khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái phép. Trước thực trạng trên, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông đã xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR năm 2022. “Ban sẽ tiếp tục hợp đồng với các hộ nhận khoán thực hiện nhiệm vụ trực PCCCR. Bởi thời gian qua, hầu hết những hộ nhận khoán không chỉ thể hiện trách nhiệm cao, thực hiện hiệu quả việc PCCCR trên diện tích được giao, mà họ còn chủ động kiểm tra, báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện có đối tượng nghi vấn đến hành vi phá rừng. Song song đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, triển khai lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát các đường mòn vào rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cho biết thêm.

Hữu Phúc