2 phương án quy hoạch Bảo tàng tỉnh

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:45, 24/03/2022

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đang lưu giữ gần 30.000 hiện vật gốc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, Bảo tàng tỉnh vẫn chưa đủ chuẩn và tương xứng để tổ chức trưng bày, tuyên truyền, giáo dục, quảng bá đến nhân dân và du khách những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng… của vùng đất và con người Bình Thuận.
trung-bay-co-vat-ve-van-hoa-cac-dan-toc-tai-bao-tang-binh-thuan-anh-nl-1-.jpg
Bảo tàng tỉnh - nơi trưng bày các cổ vật văn hóa các dân tộc. ảnh: N.Lân

Đa dạng các hiện vật

Từ 2016 đến nay, nhờ không ngừng sưu tầm, bổ sung hiện vật, nâng cao chất lượng phục vụ nên Bảo tàng tỉnh đã ngày càng đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền cho các em học sinh, khách du lịch. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 29.228 hiện vật gốc và 29.251 hiện vật tham khảo. Năm 2015, Bảo tàng tỉnh đã cải tạo Nhà khách Tỉnh ủy thành Nhà trưng bày và nhà làm việc. Nhà trưng bày có diện tích khoảng 400m2, trưng bày 7 chuyên đề với tổng số 1.200 hiện vật, gồm: Văn hóa Đa Kai, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Chăm, Văn hóa các dân tộc thiểu số, Văn hóa Việt, Sưu tập cổ vật trục vớt từ các con tàu đắm tại vùng biển Bình Thuận, Cà Mau và nhóm hiện vật trưng bày ngoài trời. Ngoài ra, năm 2010, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm (thuộc Bảo tàng tỉnh) được xây dựng và đưa vào sử dụng tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình với diện tích khoảng 1.540m2. Nơi đây, tổ chức trưng bày gần 600 hiện vật văn hóa Chăm. Những hiện vật này giúp người xem có một cái nhìn toàn cảnh về di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm, biểu hiện trên nhiều lĩnh vực như: nghệ thuật, dân ca, lễ nghi, phong tục, tập quán, hôn nhân...

Ngày 28/6/2019, Văn phòng Tỉnh ủy có Thông báo số 754-TB/VPTU kết luận của Thường trực Tỉnh ủy điều chỉnh mục tiêu sử dụng đất quy hoạch Khu trung tâm hành chính tập trung của tỉnh. Trong đó, thống nhất điều chỉnh diện tích Bảo tàng tổng hợp tỉnh từ 12.900 m2 lên 20.000 m2. Diện tích khu đất quy hoạch đất ở kết hợp thương mại - dịch vụ (mặt tiền đường Hùng Vương) khoảng 15.140m2, trong đó việc quy hoạch xây dựng các công trình phải đảm bảo đồng bộ về hình khối kiến trúc, tầng cao, các khu chức năng… tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại dọc mặt tiền đường Hùng Vương. Ngày 7/1/2022, UBND tỉnh có báo cáo gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả nghiên cứu thêm vị trí quy hoạch Quảng trường tỉnh và Bảo tàng tổng hợp tỉnh, trong đó, đề xuất 2 phương án quy hoạch Bảo tàng tỉnh.

Sẽ là điểm đến hấp dẫn

Theo UBND tỉnh, phương án 1, sẽ bố trí kết hợp công trình Bảo tàng tỉnh trong Khu vực Công viên Hùng Vương (dự án Rừng ngập mặn). Việc kết hợp công trình Bảo tàng với khu Công viên Hùng Vương sẽ phát huy giá trị sử dụng, khai thác hiệu quả công năng của Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Đồng thời, sẽ là điểm thu hút người dân và khách du lịch tới tham quan. Hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu vực này đã được đầu tư hoàn chỉnh, thuận lợi cho việc triển khai nhanh dự án. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là, cần thiết phải tìm vị trí khác để xây dựng Nhà văn hóa Lao động tỉnh nhằm giảm mật độ xây dựng công trình trong khu vực Công viên Hùng Vương (vì dự án Nhà văn hóa Lao động tỉnh khoảng 9.000 m² tại khu vực Công viên Hùng Vương đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn số 4392/UBND-ĐTQH ngày 2/12/2015).

Phương án 2, sẽ bố trí Bảo tàng tỉnh trong phạm vi Khu di tích đền tháp Chăm Pô Sah Inư tại dốc Lầu Ông Hoàng, phường Phú Hài. Theo phương án này, sẽ gặp nhiều rào cản vì nằm cách trung tâm TP. Phan Thiết khoảng 7 km. Tuyến đường Nguyễn Thông tại vị trí khu đất có độ dốc cao, không đảm bảo an toàn giao thông, dễ tạo điểm đen giao thông. Ngoài ra, khu vực bố trí có địa hình dốc, không bằng phẳng, chi phí đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này sẽ cao hơn. Không chỉ vậy, do nằm trong quần thể Khu di tích Đền tháp Chăm Pô Sah Inư nên hình thức kiến trúc công trình sẽ bị ảnh hưởng, có thể làm mất đi tính chất của công trình là Bảo tàng tổng hợp.

Qua phân tích 2 phương án nêu trên, UBND tỉnh đánh giá phương án 1 là phù hợp và khả thi hơn. Theo lãnh đạo tỉnh, với tính chất là Bảo tàng tổng hợp tỉnh, nơi đây sẽ giới thiệu với người dân, khách du lịch về con người, đặc trưng văn hóa… và vùng đất tỉnh Bình Thuận. Vì vậy việc kết hợp công trình Bảo tàng và khu Công viên Hùng Vương, với định hướng đầu tư phục vụ các hoạt động nghiên cứu, tham quan, dã ngoại, du lịch, tạo mảng xanh và điểm nhấn về cảnh quan cho thành phố Phan Thiết sẽ phát huy giá trị sử dụng của bảo tàng. Vị trí này lại nằm tại trung tâm TP. Phan Thiết nên thuận lợi cho học sinh, người dân và du khách tiếp cận, tham quan. Bên cạnh đó, có thể đa dạng về hình thức kiến trúc để tìm phương án thiết kế độc đáo, phù hợp nhằm tạo công trình điểm nhấn cho cảnh quan đô thị.

Dự án Bảo tàng tỉnh dự kiến sẽ được thực hiện trong giai đoạn năm 2026 - 2030. Lúc đó, khi bảo tàng mới hình thành, cùng với sự đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, sưu tầm, bổ sung nhiều hiện vật cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các hướng dẫn viên, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn để tham quan, nghiên cứu, học tập.

Song Nguyên