Phương Tây bắt đầu ngày ngoại giao Marathon để tìm lối thoát cho xung đột Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 10:01, 24/03/2022

Nguyên thủ các quốc gia phương Tây ngày hôm nay, 24/3, tiến hành liên tiếp ba Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels nhằm gia tăng sức ép lên phía Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời thảo luận tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 1 tháng tại Ukraine.

Ngày họp marathon của các nguyên thủ phương Tây bắt đầu ngay từ sáng ngày 24/3 bằng cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp của khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO với sự tham dự trực tiếp của Tổng thống Mỹ, Joe Biden. Đây là cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên của những lãnh đạo NATO kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine cách đây đúng 1 tháng.

Phát biểu trong ngày 23/3, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết, tại cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp, các lãnh đạo NATO sẽ thảo luận và ra các quyết định tiếp theo liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, trong bối cảnh chiến sự tại đây vẫn đang tiếp tục leo thang và mọi giải pháp ngoại giao nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn đều thất bại.

Một trong những động thái đầu tiên của NATO là việc khối này cho biết sẽ gửi các trang bị bảo hộ phòng độc và chống nhiễm xạ cho quân đội Ukraine. Trong những ngày qua, NATO và Nga đang liên tiếp đưa ra các chỉ trích và cáo buộc nhau về việc đe doạ sử dụng vũ khí sinh hoá hoặc vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ngoài việc gia tăng các trợ giúp quân sự cho chính quyền Ukraine, các nước NATO cũng sẽ phải thảo luận một loạt các thách thức lớn, trong đó có đòi hỏi đang có xu hướng gia tăng từ một số nước thành viên rằng NATO cần có các biện pháp quân sự mạnh mẽ hơn để ứng phó với Nga.

Trước cuộc họp, phía Ba Lan đã thông báo cho biết nước này sẽ yêu cầu các lãnh đạo NATO thảo luận về sáng kiến lập một phái đoàn gìn giữ hoà bình của NATO, hoạt động tại Ukraine dưới sự bảo vệ của một lực lượng vũ trang. Phương án này hiện bị đa số các nước thành viên NATO phản đối với lí do không muốn bất kỳ lực lượng nào của NATO xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Nga.

Trước đó, các lãnh đạo NATO, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng đã nhiều lần bác bỏ các phương án khác như đóng cửa không phận Ukraine hay chuyển giao các khí tài hiện đại như máy bay chiến đấu Mig-29 hay hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh Nga đang gia tăng cường độ của cuộc tấn công tại Ukraine và dư luận phương Tây ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, các lãnh đạo NATO đứng trước sức ép phải thiết lập các lằn ranh đỏ về việc sử dụng sức mạnh quân sự của NATO để chấm dứt cuộc chiến. Mặc dù vậy, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg vẫn khẳng định ưu tiên trước hết của NATO là tăng cường an ninh ở sườn Đông của khối.

“Tôi tin tưởng các nhà lãnh đạo NATO sẽ nhất trí tăng cường vị thế của NATO trên mọi lĩnh vực, với việc tăng mạnh lực lượng ở sườn Đông của liên minh, cả về không quân, lục quân lẫn hải quân. Bước đi đầu tiên sẽ là việc triển khai thêm 4 trung đoàn chiến đấu tại Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia” - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Tiếp nối cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp của NATO trong sáng 24/3 tại Brussels là cuộc họp Thượng đỉnh G7, quy tụ 7 nước công nghiệp phát triển là Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italia, Canada và Nhật Bản. Theo các thông tin phát đi từ phía Mỹ, nội dung thảo luận chính của G7 sẽ là các biện pháp trừng phạt tiếp theo mà các nước phương Tây dự kiến áp dụng với Nga, cũng như thảo luận về các chính sách nhằm tránh khủng hoảng năng lượng.

Phát biểu ngay trước khi lên đường sang châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết tại Brussels ông sẽ thông báo các trừng phạt mới nhằm vào một số chính trị gia và tài phiệt Nga.

Sau phiên họp G7, ông Joe Biden tiếp tục tham dự và phát biểu tại Thượng đỉnh EU trong chiều ngày 24/3. Khúc mắc lớn nhất hiện nay giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu là việc Mỹ đang gây sức ép buộc châu Âu ngay lập tức cấm vận năng lượng Nga, tức chấm dứt việc nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga. Tuy nhiên, đây được xem là nhiệm vụ bất khả thi với một số nước châu Âu vào thời điểm này, đặc biệt là Đức, cường quốc kinh tế số 1 châu Âu.

Nhằm giảm nhẹ các bất đồng giữa hai bên, phía Mỹ cho biết một phần lớn của gói trừng phạt mà Mỹ và châu Âu sắp đưa ra sẽ là việc siết chặt hơn các biện pháp trừng phạt đã đưa ra trước đó, bao gồm việc mở rộng danh sách các cá nhân bị trừng phạt hoặc loại thêm một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu – SWIFT./.

vov.vn