Tương lai cho thể thao thành tích cao
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:01, 25/03/2022
Bình Thuận ‐ một tỉnh ven biển khí hậu quanh năm nắng ấm, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các môn thể thao biển, các hoạt động thể thao giải trí hấp dẫn khác. Trên cơ sở phát huy có hiệu quả “Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 ‐ 2020” đã thúc đẩy phong trào thể dục thể thao Bình Thuận ngày càng phát triển và mở ra những triển vọng mới. Chính vì điều này, Bình Thuận cần tiếp tục xây dựng Đề án phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2021 ‐ 2025 và định hướng đến năm 2030, đây được xem là nhiệm vụ quan trọng cho sự nghiệp phát triển thể dục thể thao tỉnh nhà trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Huỳnh Ngọc Tâm – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo vận động viên một cách khoa học, hiệu quả, xây dựng lực lượng vận động viên có hệ thống, tăng cường công tác liên thông, kế thừa các tuyến sẽ là định hướng cho thể thao thành tích cao trong những năm tới. Theo đó, chúng tôi sẽ định hướng theo từng giai đoạn, để thể thao thành tích cao sẽ được bổ sung và phát triển chắc chắn hơn”.
Theo ông Huỳnh Ngọc Tâm cho biết, giai đoạn 2021– 2025 sẽ là chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở giai đoạn (2021 ‐ 2025); đào tạo 50 ‐ 65 đội thể thao, từ 11 ‐ 15 môn thể thao với 600 ‐ 700 vận động viên được đào tạo tại các huyện, thị xã, thành phố. Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh tập trung phát triển đào tạo và huấn luyện 13 ‐ 16 môn thể thao, đảm bảo lực lượng 520 ‐ 694 vận động viên các tuyến: 270 ‐ 320 vận động viên năng khiếu, 130 ‐ 204 vận động viên tuyến trẻ và 120 ‐ 170 vận động viên tuyến tuyển. Trong đó, giai đoạn 2026 – 2030 sẽ là thời điểm kế thừa kết quả Chương trình giai đoạn (2021 ‐ 2025), phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở giai đoạn (2026 ‐ 2030).
Theo đó, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh đảm bảo ổn định lực lượng đào tạo và huấn luyện các tuyến vận động viên tại tỉnh 715 ‐ 800 vận động viên: gồm 320 ‐ 350 vận động viên năng khiếu, 225 ‐ 236 vận động viên tuyến trẻ và 170 ‐ 214 vận động viên tuyến tuyển. Trung tâm sẽ chịu trách nhiệm phát triển và quy hoạch nhóm môn thể thao tập trung đầu tư như nhóm các môn thể thao đầu tư trọng điểm Canoeing, Taekwondo, Judo, Vovinam và Bóng rổ nam. Nhóm các môn thể thao có nền tảng phát triển, bao gồm: Điền kinh, Đua thuyền truyền thống, Karate, Boxing, Bơi ‐ Lặn, Bóng rổ nữ, Bóng đá nam, Rowing, Sailing, Jujitsu, Kurash, Bóng chuyền Bãi biển, Bóng đá Bãi biển, Bóng ném Bãi biển (nữ), Xe đạp…
Năm 2021, thể thao thành tích cao Bình Thuận đã tổ chức 9/26 giải và tham dự 23/55 giải thể thao khu vực, quốc gia, quốc tế... Hiện trung tâm đang đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, vận động viên, hướng dẫn viên TDTT. Quản lý, đào tạo 10 môn thể thao, với 182 vận động viên năng khiếu, 122 vận động viên tuyến tuyển, 93 vận động viên tuyến trẻ, kiện tướng, dự bị kiện tướng: 21 (đạt 52,5%), cấp 1: 41 (đạt 68,3%). Tổ chức kiểm tra Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở và công nhận 356 vận động viên (đạt 121%), 35 đội thể thao.
Ông Huỳnh Ngọc Tâm chia sẻ: Khó khăn nhất để phát triển thể thao thành tích cao một cách bền vững. Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị và dụng cụ thể thao của tỉnh ta hiện nay vẫn còn thiếu và chưa hiện đại. Chưa áp dụng nhiều thành tựu của khoa học thể thao hiện đại vào công tác huấn luyện. Vẫn còn ít huấn luyện viên và chuyên gia giỏi trên lĩnh vực thể thao. Việc đầu tư cho lĩnh vực thể thao tuy đã được các cấp quan tâm trong thời gian gần đây tuy nhiên mức độ đầu tư chưa cao. Cơ chế chính sách đãi ngộ cho tài năng thể thao chưa cao. Thể thao thành tích cao ngày nay trên cả nước có sự cạnh tranh cao nên muốn có thành tích cao phải nỗ lực nhiều hơn nữa.