Giao thông mở lối cho nhiều ngành nghề
Xã hội - Ngày đăng : 05:23, 25/03/2022
Do vậy, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều hạn chế, rất ít công trình quy mô lớn, kết nối liên vùng, có sức lan tỏa được đầu tư xây dựng để tạo động lực phát triển, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại vẫn còn là “điểm nghẽn”, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một thời khó khăn…
Tôi còn nhớ vào những năm 1993 – 2000, thời điểm ấy con đường đất đỏ từ xã Bắc Ruộng đến Lạc Tánh, huyện Tánh Linh vào mùa mưa có nhiều đoạn sình ngập. Sình đến nỗi nhiều người có xe máy phải “trùm mền”, còn xe đạp thì đoạn đi được, đoạn phải vác xe trên vai lội qua những khúc sình rất khổ cực. Có lần tôi và nhiều người ngồi xe đò đi từ Bắc Ruộng về Phan Thiết, đến đoạn Đồng Kho xe bị lật ngang nhưng không một người nào bị thương. Nguyên nhân là do sình quá nửa bánh xe đò nên khi xe trượt lật ngang đã có lớp sình chắn. Không chỉ ở Tánh Linh mà các huyện trong tỉnh các tuyến đường giao thông rất tệ. Ở La Gi lúc chưa tách huyện Hàm Tân đường về các xã cũng chẳng hơn gì Tánh Linh, nơi thì đường sình lầy, nơi thì đường cát đi muốn phỏng chân, đi xe máy, xe đạp thì ì à ì ạch… Nói đâu xa, ở Phan Thiết lúc còn là thị xã nội ô chưa có nổi tuyến đại lộ, chỉ duy nhất có tuyến đường Trần Hưng Đạo là nên dáng. Khu dân cư Hùng Vương bây giờ là mênh mang đồng muối chứ không phải có đến 2 đại lộ Tôn Đức Thắng và Hùng Vương cũng như nhiều con đường lớn khác…
Nhắc lại những khó khăn về hạn chế giao thông để thấy có thời gian dài nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Bình Thuận tìm cơ hội đầu tư. Bình Thuận đã tạo nhiều ưu đãi như giảm giá cho thuê đất, tạo mặt bằng sạch… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp “quay lưng” khi tính khoản chi phí vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành, vì hạ tầng Bình Thuận chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ đây Bình Thuận chịu khá nhiều thiệt thòi trong một khoảng thời gian dài so với một số tỉnh lân cận…
Tháo “điểm nghẽn” giao thông
Trong những năm gần đây, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tập trung huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để đầu tư, giải quyết cơ bản những nhu cầu cấp bách, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông với cả nước. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch để đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng nhiều chương trình kế hoạch, dự án, đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ nhiều nguồn vốn đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó đã có nhiều công trình giao thông lớn, quan trọng, hiện đại được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tích cực, nhất là trong thời gian gần đây, nhiều công trình giao thông đối ngoại, đối nội quan trọng, quy mô lớn đã và đang đầu tư xây dựng như hoàn thành thảm bê tông nhựa 4 tuyến quốc lộ (QL1, QL55 và QL28, QL28B) với chiều dài 417 km. Đường trục ven biển với chiều dài khoảng 237 km, đây là tuyến giao thông rất quan trọng chạy dọc chiều dài bờ biển của tỉnh, đến nay đã hoàn thành thảm bê tông nhựa, một số đoạn tuyến đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh chiều dài 160,3 km hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Bình Thuận, góp phần giảm tải lưu lượng, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, góp phần quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại của tỉnh, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, Cảng Phú Quý đang tiếp nhận các loại tàu vận tải có trọng tải đến 1.000 tấn, hiện đang triển khai thi công cải tạo đê chắn sóng, nạo vét luồng đáp ứng cho tàu 2.000 DWT, là cửa ngõ chính kết nối huyện đảo Phú Quý với đất liền. Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã đưa vào khai thác bến cập tàu 3.000 DWT và bến 50.000 DWT (tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000DWT), kết hợp với cảng vận tải Phan Thiết và cảng Phú Quý đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng (quân sự và dân dụng). Hiện nay, khu quân sự đang triển khai thi công xây dựng các hạng mục quân sự và đường cất hạ cánh, phần dân dụng đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ theo quy mô điều chỉnh để triển khai các bước tiếp theo.
Nhiều ngành nghề phát triển
Qua quá trình đầu tư và phát triển, đến nay toàn tỉnh đã có 632,5 km đường tỉnh và đường huyện quan trọng (27 tuyến), 1.365 km đường huyện và đô thị, 4.284 km đường xã, giao thông nông thôn, đường chuyên dùng khác. Mạng lưới giao thông gồm các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện quan trọng tạo nên một mạng lưới đường bộ liên hoàn đến tất cả các huyện, trung tâm các xã của tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Từ những con đường mới được xây dựng, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Bình Thuận đầu tư các khu, cụm công nghiệp đã và đang hình thành với quy mô khác nhau như ở miền núi Đức Linh có Cụm công nghiệp Nam Hà, Hàm Tân có 3 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp, Hàm Thuận Nam có khu phức hợp “ngàn tỷ” Novaland, Phan Thiết có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, may mặc hay như từ Hàm Thuận Nam, Bắc Bình đến Tuy Phong đã thu hút hàng ngàn tỷ vốn đầu tư vào ngành điện gió, một ngành mới của Việt Nam mà Bình Thuận đang đứng tốp đầu…
Bên cạnh phát triển giao thông đối nội, đối ngoại, hạ tầng giao thông nông thôn cũng được tỉnh đẩy mạnh đầu tư. Từ sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/3/2011 về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân để làm giao thông nông thôn. Đến nay đã thực hiện đầu tư được 1.277 km/4.764 tuyến đường bê tông xi măng, góp phần rất lớn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đáng kể điều kiện đi lại sản xuất của nhân dân và hoàn thành tiêu chí 2 về giao thông thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hệ thống đường giao thông huyện, đường đến các trung tâm xã, thôn, xóm cơ bản đã được liên thông, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm.
Phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, Bình Thuận đang hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên thông, hiện đại, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại, đối nội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhất là 3 trụ cột kinh tế…