Đánh thức Đa Mi
Du lịch - Ngày đăng : 06:15, 30/03/2022
Sớm đánh thức vùng đất tiềm năng
Nằm ở vị trí giáp cao nguyên Lâm Đồng, khí hậu quanh năm mát mẻ, có nhiều thác nước hùng vĩ với 2 hồ nước lớn được hình thành từ công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi vào thập niên 90. Đa Mi như một nàng “công chúa” ngủ trong rừng giống với Mũi Né, nơi được đánh thức sau sự kiện nhật thực toàn phần cách đây gần 30 năm. Tuy vậy, những năm qua Đa Mi cũng được nhiều “hoàng tử” - họ là những người đam mê kinh doanh du lịch đến ngắm nghía, nhưng chỉ dừng lại ở “tự phát” nhỏ lẻ. Đến năm 2020, Công ty TNHH du lịch Lửa Việt – TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tour du lịch mới, nhằm kích cầu du lịch trong nước, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với Chương trình “Theo trăng lên rừng xuống biển”: TP. Hồ Chí Minh – Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) – Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) – Kê Gà (Hàm Thuận Nam) – Phan Thiết. 35 nhà báo thuộc Hội Nhà báo Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành du lịch các tỉnh phía Nam với thời gian 2 ngày 1 đêm tham quan, trải nghiệm chuyến đi tại xã Đa Mi.
Sau đó, một số nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, trong đó một doanh nghiệp đăng ký đầu tư khu du lịch sinh thái Green Holiday, với tổng vốn đầu tư lên đến 150 tỷ đồng. Đây là nền tảng tạo đà cho Đa Mi từng bước định hình những khu du lịch, phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hàm Thuận Bắc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. “Để đạt được mục tiêu phát triển tốt du lịch ở Đa Mi, ngay bây giờ chúng ta phải tạo cảnh quan xanh, đẹp bằng cách trồng nhiều loài hoa. Cùng với vẻ đẹp vốn có sẽ hấp dẫn nhiều người biết đến Đa Mi”, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc - Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh tại lễ phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Nhâm Dần năm nay.
Điểm đến lý tưởng trong tương lai
Việc trồng nhiều hoa cho Đa Mi cũng là cách tôn thêm vẻ đẹp, thu hút nhiều người biết đến, thêm nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu. Từ đó, góp phần hình thành vùng du lịch sinh thái gắn với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhất là du lịch sinh thái rừng – thác – hồ, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay)… với các tour, điểm du lịch, như tour khám phá thác 9 tầng kết hợp tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro; tour khám phá lòng hồ Hàm Thuận kết hợp tham quan các loại cây trồng trên các đảo giữa lòng hồ...
Để tạo cho Đa Mi giống như đi du lịch Đà Lạt, nơi ngàn hoa nhiều người muốn đến. Đó là mong ước của không chỉ người dân Hàm Thuận Bắc mà cả Bình Thuận để bản đồ du lịch của tỉnh có thêm một điểm đến lý tưởng, tạo nên vùng đất đáng sống. Tuy nhiên, để mong ước ấy thành hiện thực, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành... tuyên truyền quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển của du lịch Đa Mi... Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh phát triển du lịch sinh thái và mở các tour, tuyến, điểm du lịch.
UBND xã Đa Mi đóng vai trò quan trọng việc tạo và giữ hình ảnh, cần tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ý thức việc trồng cây gây rừng, bảo vệ cây xanh, vệ sinh môi trường. Chủ động trồng thêm hoa tạo cảnh quan góp phần thu hút khách du lịch. Ngoài việc trồng hoa anh đào như lãnh đạo huyện Hàm Thuận Bắc đã kêu gọi xã hội hóa trồng hơn 200 cây hồi đầu năm, thì trồng thêm nhiều loài hoa khác, chăm sóc và bảo vệ để Đa Mi khoe sắc trở thành điểm đến mơ ước của nhiều người. “Chúng tôi sẽ nỗ lực xây dựng cảnh quan để Đa Mi trở thành điểm đến lý tưởng trong tương lai”, Chủ tịch UBND xã Đa Mi - Nguyễn Anh Toàn cho biết trong lễ trồng cây đầu năm 2022.