“Mùi” bánh tráng Ngũ Phụng
Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 30/03/2022
Giữ nghề vì nghèo
Chiều tà ở Ngũ Phụng, ánh hoàng hôn đỏ rực. Bình yên đến lạ. Người dân địa phương cứ mỗi chiều ra đây ngồi vắt vẻo trên bờ kè, nhìn về ánh hoàng hôn ở góc trời. Chính cái nơi tưởng chừng như đẹp đẽ, lãng mạn ấy từng là làng nghề bánh tráng mì.
Làng nghề bánh tráng mì Ngũ Phụng giờ chỉ còn lại hom hem trong vài nếp nhà ở thôn Quý Thạnh (xã Ngũ Phụng). Sau nhiều chuyến đi về với đảo ngọc, chúng tôi mới có dịp tường tận nơi đây. Vài chiếc bếp củi, đàn bà ngồi tráng bánh, đàn ông thì phơi bánh, bánh khô huy động con cháu trong nhà ra gỡ. Tiếng cười đầy ắp. “Hồi trước gần như nhà nào cũng làm bánh tráng. Vì lúc đó, ai cũng có rẫy, trồng mì. Tới mùa là tráng bánh”- chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
Thường mùa mì ở Phú Quý thu hoạch rơi vào tháng giêng, tháng hai. Mì khi đó không có giá, nên nông dân chọn mì đẹp để cắt, ngâm, rồi mang đi xay, lọc lấy bột làm bánh tráng. “Mì đẹp làm bánh tráng mới ngon, mà hồi xưa bán theo thiên (1.000 cái), giờ bán theo kg. Giá cũng được vài chục ngàn đồng kg, thôi à. Cực lắm, nhưng không biết làm gì, cũng vì yêu thích nên làm để giữ nghề” – chị gái của Lan đang rửa cá chen vào câu chuyện của chúng tôi. Nhà chị Lan có mấy chị em gái ai cũng theo cái nghề của cha mẹ, từ lúc con gái đến khi lấy chồng, sinh con. Các con lớn cho ăn học, giờ không ai chịu theo cái nghề này nữa.
Chị Lan kể: Nghề này làm cực lắm, nửa đêm (12 giờ khuya) phải thức tráng đến tận trưa hôm sau, cho kịp nắng phơi. Mà phải nhiều người phụ, thuê thì không trả nổi, nên chủ yếu là người trong nhà. Có hôm đang phơi, trời đổ mưa nên cả xóm cùng nhau vác bánh tráng chạy mưa. “Bánh tráng giờ không bán theo thiên, mà bán theo kg, nên trừ chi phí 3 - 4 tạ mì, công cán chỉ kiếm được vài triệu đồng. Nhưng nếu bỏ thì biết làm gì sống!?”
Cạnh đó, cả gia đình chị Nguyễn Thị Thiện đang quây quần. Ông xã chị Thiện cởi trần xếp bánh lên từng cái vỉ lưới mang ra phơi. Chị Thiện ngồi tráng bánh trên cái bếp đôi. Sức nóng của lò củi cứ hắt ra hầm hập. Vậy mà, cười nói rôm rả. Nhìn cái lò đất nung, từng xô bột, đống củi sau nếp nhà, mới thấy được họ đang cố giữ lửa nghề. Hôm nào không đi biển, chồng chị Thiện sẽ phụ giúp vợ tráng bánh. Kiếm thêm đồng ra đồng vào, chợ búa cho con cái ăn học. “Thôi thì có nghề cứ làm, bỏ thì biết làm gì”.
Xã Ngũ Phụng có 3 thôn Quý Thạnh, Thương Châu và Phú An. Những năm trước, gần như xã Ngũ Phụng được biết đến như một làng nghề. Nhà nhà làm bánh tráng, người người làm bánh tráng. Cứ tới mùa mì là các thôn nhộn nhịp tráng bánh, phơi bánh. Có nhà làm để bán, có nhà làm chỉ để lưu giữ ký ức từ cha mẹ, ông bà và để dùng trong gia đình. Giờ chẳng còn cái không khí ấy. “Giờ rẫy người ta cũng bán hết rồi. Nên từ từ cũng bỏ cái nghề này, chỉ còn lại ít lắm. Nhà làm quanh năm thì chủ yếu bỏ mối lớn, làm nhỏ lẻ đủ sống qua ngày”- chị Thiện cho hay.
Ký ức xa thẳm
Có những người con Phú Quý xa quê, hoặc bây giờ trưởng thành với công việc ổn định. Vậy mà, cứ độ giêng, hai khi mùa mì trổ hoa lại nhớ mùi bánh tráng. Ngộ, đảo nhỏ tiền tiêu 4 mặt là biển trời thế đấy. Nhưng vẫn cứ hay nhớ về những tháng ngày đã qua, dù lúc ấy khốn khó, người dân đảo gói ghém, cực nhọc chứ không trù phú như bây giờ.
Thuộc thế hệ 9X, ngôi nhà của Nguyễn Hữu Hiệp cũng đầy kỷ niệm với mùi bánh tráng mì dạo nào. Cái mùi chua chua khi bột đã lên men, chờ lặng nước lấy bột. Mùi củi khô trong những bếp lò nổ tanh tách. Anh em Hiệp cũng lớn lên từ đó, từ những đêm nội cùng với mẹ ngồi thức để tráng bánh, để sáng mai lại có những chiếc bánh bị rách còn ướt trộn với mỡ hành, chấm với nước tương, nước mắm mà no bụng đến trường.
Dắt chúng tôi đi lại trong những xóm nhỏ, với vài nếp nhà đang còn giữ nghề: Hiệp có chút trầm tư: “Mùa khoai mì đã rộ. Tôi lại nhớ cái ngày còn bé cứ lon ton theo nội lên rẫy đào khoai mì. Một phần thì luộc ăn. Còn phần nhiều là để ngâm tráng bánh. Ngày ấy vui lắm, hầu như nhà nào cũng làm bánh tráng phơi đầy hết các ngõ ngách. Cứ mỗi lần nội tôi tráng bánh, bọn trẻ con cứ ngồi xung quanh để chờ những cái bánh hỏng còn ướt ngun ngút khói, tranh nhau bôi lớp mỡ hành chấm nước mắm. Giờ đến đây, ngẫm lại tôi lại thấy thèm thuồng cái hương vị giản dị đó”.
Gia đình Hiệp giờ chẳng còn ai làm nghề nữa, Hiệp tâm sự: “Nội cũng đã già, ba mẹ lớn tuổi chẳng còn sức đêm hôm ngồi tráng bánh. Anh em trong gia đình mỗi người một nghề, chẳng ai theo được “mùi bánh tráng”. Những đứa trẻ bây giờ cũng không còn thích ăn những miếng bánh ướt như ngày ấy. Thời đại công nghệ ngày càng hiện đại, cơ sở vật chất, đời sống được nâng cao. Bây giờ số lượng gia đình giữ nghề tráng bánh này còn rất ít. Tôi rất lo, sợ một ngày nào đó, nghề tráng bánh sẽ chẳng còn…”. Hiệp bỏ lửng câu nói, có chút gì đó nuối tiếc, cho làng nghề ở quê mình.
Trạc tuổi Hiệp, gia đình Mến cũng từng là một hộ cá thể tráng bánh tô điểm thêm cho làng nghề ở đây mấy chục năm qua. Thỉnh thoảng nhớ, vào mùa mì tráng một ít để ăn như là cách cất giữ kỷ niệm. “Nghề này khổ, tốn công nhưng bán cũng chẳng được bao nhiêu, riết xóm em người ta nghỉ hết rồi. Em thấy tiếc, phải chi được quy hoạch làm thành làng nghề truyền thống, phục vụ cho phát triển du lịch cũng là cách xây dựng cho hình ảnh của Phú Quý thêm nhiều màu sắc. Tiếc lắm anh” – Nguyễn Văn Mến chia sẻ.
Rất khó thống kê được Ngũ Phụng bây giờ còn được bao nhiêu nhà làm bánh tráng mì, hiếm hoi mới tìm được nhà làm xuyên suốt. Ở trong những con hẻm ấy, bên cạnh những khu đất thấp lưa thưa, hình ảnh bà cụ với cây tre đứng đuổi côn trùng trên những giàn đang phơi bánh. Phía trên lò tiếng nổ lách tách của những thanh củi khô, chị Thiện thêm vào để tráng những chiếc bánh cuối cùng, mệt lả. Nghề bánh tráng sẽ chẳng còn, “mùi” bánh tráng chắc sẽ bay đi vào một khoảng không nào đó, chỉ có người ở lại nhìn thấy sự thay đổi của quê mình, mà tiếc nuối.