Người nuôi thủy sản đối mặt thiệt hại kép

Kinh tế - Ngày đăng : 05:39, 31/03/2022

Từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn liên tục tăng cao khiến người nuôi thủy sản, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh đối mặt với tình trạng càng nuôi càng lỗ.

Người nuôi “treo ao”

Trở lại xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) những ngày cuối tháng 3, thời điểm lẽ ra các hộ nuôi nơi đây nhộn nhịp thả giống cho vụ nuôi chính trong năm. Nhưng đi vào khu vực xóm 7, luồng sâu vào khu vực nuôi tôm rầm rộ cách đây chục năm, tôi khá ngạc nhiên khi hơn 60% diện tích nuôi nơi nay đang “treo ao”. Các hồ tôm san sát nhau nằm trơ đáy, không còn cảnh nhộn nhịp chở thức ăn trên các cung đường, không còn nghe tiếng máy nổ sục khí ở các hồ. Tình trạng này bắt đầu từ năm 2021 đến nay, khi giá thức ăn liên tục tăng cao và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

untitled-1.jpg
Đa số người nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh đang “treo ao”.

Những năm gần đây, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở khu vực này không còn cảnh “nuôi đâu thắng đó”, những vụ tôm hầu như không còn đạt sản lượng như trước, nếu may mắn đạt thì lại không được giá. Dù đã bước vào thời điểm thả nuôi vụ chính, nhưng chẳng ai dám liều thử vận may, khi từ đầu năm 2022, giá thức ăn tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thức ăn tôm thẻ loại thường từ 610.000 - 640.000 đồng/bao tùy loại, thức ăn tăng trọng lên tới 820.000 - 850.000 đồng/kg. Với giá xăng dầu, nguyên liệu thức ăn nhập khẩu gần đây tăng cao, người nuôi sợ rằng giá thức ăn thủy sản sẽ có đà tăng theo. Nguyên nhân tăng chủ yếu do phần lớn phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, mà giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn nuôi tôm tăng từ 16 - 51% so với năm 2020.

Ông Hồ Kỳ Hùng, 1 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng lâu năm ở xã Vĩnh Hảo cho biết: “Vụ tôm năm nay tôi cũng không dám thả nuôi, đang “treo ao” chờ giá cả hạ nhiệt, chứ năm 2021, với giá thức ăn tăng nhanh, hầu hết người nuôi vùng này đều lỗ vốn. Vụ nuôi chính năm 2022, nếu không hoạch định kỹ lưỡng, với giá thức ăn tiếp tục leo thang như hiện nay, người nuôi khó mà gặp may”. Ông tính toán cụ thể, “1 ha tôm khi thu hoạch bình quân đạt khoảng 7 – 8 tấn, trong khi đó, chi phí nuôi 1 ha tôm mất khoảng 10 tấn thức ăn, chưa kể chi phí thuốc, con giống, nhân công… mất khoảng 500 triệu đồng. Nếu tôm nằm ổn định ở giá 110.000 – 120.000 đồng/kg (kích cỡ 100 con) thì người nuôi mới có lãi, còn giá dưới 90.000 đồng/kg, nắm chắc phần lỗ. Hiện nay, giá tôm thẻ đang nằm ở mức 100.000 – 110.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng so với thời điểm cuối năm ngoái, nhưng vẫn không kích thích người dân thả nuôi”.

Mạnh dạn thay đổi

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, diện tích nuôi tôm hàng năm đã có phần chững lại. Thay vào đó, người dân chuyển sang nuôi các loài thủy sản nước mặn - lợ khác như cua, cá chẽm, cá chim, ốc hương… Tuy nhiên, giá thức ăn cho nuôi thủy sản tăng mạnh, khiến người nuôi gặp khó khăn chung. Hiện nay, một số ít còn lại nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp, mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình nuôi như nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học và hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất; nuôi tôm trong ao trải bạt qua 2 giai đoạn; nuôi tôm theo quy trình bán biofloc… Có như vậy, người nuôi mới duy trì khi giá thức ăn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt vì họ nuôi đạt năng suất cao.

Theo Chi cục Thủy sản, ngoài rủi ro do dịch bệnh, các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh đang phải đối mặt với khó khăn kép là chi phí thức ăn liên tiếp tăng cao, giá bán giảm mạnh khiến người nuôi thua lỗ. Vì thế, người nuôi thủy sản cần bám sát khung lịch thời vụ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi. Cụ thể là kiểm soát tốt môi trường nuôi, quản lý tốt nguồn thức ăn để giảm tối đa sự hao hụt thức ăn và làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh, nhằm hạn chế rủi ro, tăng năng suất và giảm giá thành đầu tư.

Hiện nay, Bình Thuận có diện tích nuôi thủy sản nước lợ khoảng 900 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Phong 320 ha, Hàm Thuận Nam 145 ha, Hàm Tân 256 ha, thị xã La Gi 117 ha... Đối tượng nuôi chính là tôm chân trắng với trên 800 ha, còn lại là các đối tượng khác như cua, cá chẽm, cá chim, ốc hương.

Song Nguyên