Cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 14:03, 27/12/2017
Tàu dịch vụ hậu cần từ vốn vay Nghị định 67. |
Trước đây cho vay nông nghiệp, nông thôn được coi là lĩnh vực riêng của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đến nay hầu hết các tổ chức tín dụng đều quan tâm và triển khai cho vay lĩnh vực này, như Vietcombank, BIDV… với dư nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận, đến cuối năm, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước gần 30.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 37.827 tỷ đồng, tăng hơn 16% so đầu năm. Phần lớn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Tín dụng trên địa bàn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá; cơ cấu cho vay chuyển dịch tập trung lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như Nghị định 67, chương trình phát triển kinh tế địa phương, trong đó toàn hệ thống đã cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn 19.720 tỷ đồng (chiếm gần 54% tổng dư nợ). Các tổ chức tín dụng triển khai nhiều hình thức dịch vụ ngân hàng hiện đại, phát triển sâu rộng, hỗ trợ mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời thực hiện tốt các giải pháp ngăn chặn, xử lý nợ xấu. Cuối năm tỷ lệ nợ nằm trong mức an toàn của toàn hệ thống tín dụng.
Cụ thể, thực hiện chính sách tín dụng với thủy sản (theo Nghị định 67/2014/CP), các tổ chức tín dụng đã tiếp cận 162/180 tàu được UBND tỉnh phê duyệt, đã nhận 130 hồ sơ của khách hàng có nhu cầu vay đóng tàu theo Nghị định 67, qua đó đã ký hợp đồng tín dụng 100 hồ sơ. Tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng là 799 tỷ đồng, giải ngân được 745 tỷ đồng, dư nợ hơn 720 tỷ đồng. Trong đó cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ 254 tỷ đồng, đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ 454 tỷ đồng, nâng cấp tàu 13 tỷ đồng. Huyện đảo Phú Quý dẫn đầu vốn vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67.
Cùng với đó, các ngân hàng cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch (theo Nghị quyết 30 của Chính phủ) với 4 khách hàng sản xuất kinh doanh tôm giống, nuôi tôm thịt, mua bò và chăm sóc bò giống, trồng thanh long, với dư nợ 355 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua lúa gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước cũng được giải ngân 151 tỷ đồng; đồng thời tổ chức tín dụng cũng hỗ trợ cho vay gần 58 tỷ đồng nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. 35 tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp đã được ngân hàng cho vay 30 tỷ đồng, lãi suất chỉ 7- 9,5%/năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 110 khách hàng là hộ gặp khó khăn do hạn hán kéo dài, nuôi heo thua lỗ do “khủng hoảng thừa”, với dư nợ gần 38 tỷ đồng…
T. Khoa