Giá cám tăng, người nuôi heo sốt ruột

Kinh tế - Ngày đăng : 05:46, 01/04/2022

“Nhà sản xuất thông báo sắp tới, giá thức ăn chăn nuôi còn tiếp tục tăng nữa, nhưng chưa biết sẽ tăng bao nhiêu”. Đó là thông tin từ các đại lý, cửa hàng cung cấp thức ăn chăn nuôi làm cho người nuôi heo đau đáu nhiều nỗi lo. Bởi trong thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng như cơn “bão giá” về cám, làm người nuôi heo thua lỗ, buộc phải giảm số lượng.
chan-nuoi-heo-nh-nl-4-.jpg
Chăn nuôi heo. Ảnh: N.Lân

Lỗ do thức ăn tăng cao

Từ năm 2020 đến nay, gia đình anh Huỳnh Văn Bé ở xã Thiện Nghiệp liên tục giảm 50% số lượng heo nái và heo thịt. Tổng số heo hiện nay còn 30 con nái và 40 con heo thịt. Anh Bé chia sẻ: Nguyên nhân giảm đàn là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chưa có điểm dừng. Trong khi đó, thương lái mua giá heo hơi tại chuồng ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg. Còn giá heo giống dao động 850.000 đồng - 1,1 triệu đồng/con, giảm hơn so với năm 2020 - 2021 (1,8 - 2 triệu đồng/con). Điều này dẫn đến người nuôi heo thịt và heo giống đều bị lỗ, giảm số lượng. Chẳng hạn, heo vừa cai sữa mua về nuôi đến lúc xuất chuồng mất khoảng 4 tháng, với 90 bao cám. Tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của heo mà người nuôi cho ăn loại cám phù hợp. Heo còn nhỏ, giá thành cám càng cao.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Lâu - người cùng xã với anh Bé cho biết: Gia đình hiện đang nuôi 6 con heo nọc, 3 con heo nái và 50 con heo thịt, giảm 50% số lượng heo thịt và 90% số lượng heo nái. Tình hình giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao từ năm ngoái đến nay, người nuôi lỗ 400.000 - 500.000 đồng/con khi xuất chuồng. Nếu quá trình nuôi bị thất thoát số lượng do bệnh, người nuôi càng lỗ thêm. Hay nói cách khác, càng nuôi nhỏ lẻ càng lỗ nhiều. Với người nuôi lâu năm, sống bằng nghề nuôi heo trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Trần Ngọc Hận - Chủ tịch Hội nông dân xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết) cho biết: Các hộ nuôi heo trong xã giảm 60 - 80% số lượng heo nái và heo thịt so với trước, do giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá bán xuất chuồng giảm và dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến người nuôi lỗ. Phần lớn các hộ chăn nuôi trong xã cung cấp heo giống cho các địa phương lân cận. Song giá heo giống thấp hơn so với cùng kỳ, và ít người mua. Toàn xã hiện có 152 hộ nuôi 4.700 con heo.

Tận dụng phế phẩm, mở rộng diện tích trồng

Theo các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi, cám cho heo con từ 450.000 - 470.000 đồng/bao, cho heo “trọng” hơn khoảng 310.000 đồng/bao. Thời gian qua, giá tăng liên tục 10.000 - 20.000 đồng/bao, tùy loại thức ăn. Giá cám gạo tăng 30.000 đồng/bao. Người bán lãi mỗi bao cám 5.000 đồng, chưa kể chi phí bốc vác, xăng dầu chở đến tận chuồng thì lãi không đáng kể cho mỗi bao cám. Chung tình cảnh khó khăn, người bán chia sẻ với người chăn nuôi. Nhà sản xuất thông báo sắp tới, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, nhưng chưa biết sẽ tăng bao nhiêu.

Câu chuyện trên không riêng ở xã Thiện Nghiệp, mà nhiều hộ nuôi heo khác ở trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng như thế. Thông qua các kênh thông tin, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (bắp, đậu nành, các phụ phẩm ngũ cốc) tăng khá nhanh. Dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu các nguyên liệu trên sẽ tăng với mức gấp 2 - 3 lần. Giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng, một quy luật tất yếu. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển ngành chăn nuôi nói chung và người nuôi heo nói riêng.

Để gỡ khó cho người nuôi heo vượt qua giai đoạn “bão giá” thức ăn chăn nuôi, mỗi người nuôi tự tính toán pha chế thức ăn theo 1 kiểu riêng từ việc tận dụng phế phẩm tại địa phương. Nhiều hộ nuôi heo tại xã Thiện Nghiệp lấy cơm thừa tại các gia đình, quán ăn, nhà hàng… mang về nấu lại và trộn thêm cám, theo tỷ lệ cân đối. Cách nuôi này, thì 6 tháng heo mới xuất chuồng, giảm bớt chi phí nuôi thay vì 4 tháng nuôi bằng cám chuyên dùng. Vì vậy, các hộ nuôi heo ở xã Thiện Nghiệp đang tiếp tục duy trì.

Song song đó, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch trồng cây nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi trên diện tích đất trồng khác không hiệu quả. Một khi nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ở mỗi địa phương tăng, các đầu mối sẽ giảm nhập khẩu nguyên liệu. Theo quy luật cung cầu của thị trường, giá thức ăn chăn nuôi cũng giảm theo chiều tỷ lệ thuận. Từ đó, người chăn nuôi giảm bớt nỗi lo đau đáu về nguy cơ bỏ nghề nuôi.

Trang Minh