Phan Thiết có anh tôi
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:53, 01/04/2022
Nhân vật chính trong bài thơ là một chiến sĩ Cụ Hồ, hy sinh tháng chạp năm 1972, đồng thời là anh ruột của nhà thơ. Nói đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, không thể không nhắc đến hình ảnh trung tâm đã trở thành huyền thoại của anh bộ đội Cụ Hồ. Hành trang của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam vốn rất giản dị, hành trang người lính đánh giặc trong bài thơ “Phan Thiết có anh tôi” lại càng giản dị hơn bao giờ hết.
Để lại tấm chăn chiên cho đồng đội ở rừng
Vừa ra viện, anh tôi về Phan Thiết
Bảy lon ngô, thêm vết thương phục kích
Anh tôi về làm người lính giáp ranh
Trong quá trình đi đến hoàn chỉnh bài thơ về sau này, Hữu Thỉnh đã dồn nén cảm xúc ở cấp độ cao nhất để bài thơ thật sự cô đọng ngay từ khổ thơ thứ nhất, do đó bản in hiện nay (cũng là bản hoàn chỉnh) được mở đầu bằng một đoạn thơ mang tính khái quát thay vì sa vào viện dẫn, liệt kê của lần công bố đầu tiên.
Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng, anh không mô đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi
Âm hưởng chủ đạo toát lên từ bài thơ trên là niềm nhớ thương thành kính, xót xa mà không bi lụy, nói mất mát đau thương mà không hề làm mềm yếu lòng người. Không thấy yếu tố kỹ thuật, kỹ xảo nào được tác giả dụng công trong bài thơ. Dường như mạch tình cảm tự nhiên được dồn nén trong lòng người viết như thế nào thì trên mặt giấy cứ bật ra như thế ấy. Để rồi người đọc cứ lặng lẽ tiếp nhận, lặng lẽ nhập vào cái “tình” của tác giả, cái “hồn” của bài thơ như tâm trạng của một người trong cuộc lúc nào không hay biết.
Anh ở đây mà em mãi đi tìm
Em hy vọng để lấy đà vượt dốc
Tân Cảnh
Sa Thầy
Đắc Pét
Đắc Tô
…
Tác giả - nguyên là nhà thơ mặc áo lính - không thể ngờ rằng nơi anh mình hy sinh không phải là những địa danh bốc lửa chiến trường, khét lẹt mùi thuốc súng như anh vừa liệt kê, mà chỉ là một mặt trận ở vùng ven Phan Thiết - Bình Thuận. Anh sửng sốt, bàng hoàng, không sao ngăn được dòng nước mắt đã bao ngày dồn nén trong hy vọng, bỗng phút chốc trở thành vô vọng.
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Nhưng không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe…
Nỗi đau xé lòng được nhân lên gấp bội khi chúng ta biết rằng khoảng cách từ nơi người chiến sĩ ngã xuống rất gần đường số Một. Và đoạn đường từ đây dẫn đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành chiến thắng 30/4/1975 không còn bao xa nữa.
Dãy đồi còn kia, trận mạc còn kia
Vài bước nữa là tới đường số Một
Vài bước nữa, thế mà, không thể khác
Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi…
Tôi dừng lại hồi lâu trước một khổ thơ khác bởi 2 câu sau của khổ thơ này cứ như có một “ma lực kỳ lạ” làm tôi day dứt mãi:
Mẹ hay ốm kể từ khi trái gió
Chị khuya một mình mang áo cũ ra khâu…
Hai hình ảnh đồng hiện: Người mẹ hay đau ốm khi trái gió trở trời - Hình ảnh người vợ ở hậu phương, ngồi một mình giữa đêm khuya, dưới ngọn đèn dầu leo lét với chiếc áo cũ của chồng đang ở chiến trường B, cứ sừng sững hiện ra vừa thực vừa hư giữa trang thơ, gây ám ảnh không nguôi trong tâm trí người đọc.
Các chi tiết: Đêm khuya, một mình, manh áo cũ cứ như những mũi dao vô hình sắc nhọn xoáy sâu vào trái tim của mỗi chúng ta. Câu thơ đề cập đến “sự hy sinh thầm lặng” bằng giọng điệu thủ thỉ, tỉnh táo đến mức lạnh lùng, nhưng chính vì thế mà sức thuyết phục của nó lại trở nên dữ dội, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Viết đến đây, tôi chợt nhớ có lần nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tiết lộ một chi tiết còn ít người biết, đó là tên gọi đầu tiên của trường ca “Đường tới thành phố” được Hữu Thỉnh đặt là “Hành trình đi qua dây thép gai”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự: Người vợ trong bài thơ có nguyên mẫu ngoài đời là chị dâu của anh đã qua đời vì bệnh tim chỉ hai năm sau khi anh trai anh (chồng chị) vào chiến trường khu VI rồi tăng cường cho Bình Thuận…
Về sau, khi tập trung huy động tất cả vốn sống để hoàn thành trường ca nổi tiếng “Đường tới thành phố”, một số chi tiết đắc địa của bài thơ này trong bản in đầu tiên, đã được Hữu Thỉnh chắt lọc lại để nâng tầm khái quát, làm nổi bật hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó thấp thoáng những chi tiết đầy ấn tượng, tôi vừa nêu trên.
Cũng theo lời của nhà thơ Hữu Thỉnh, có một sự trùng hợp độc đáo, đó là năm ra đời của bài thơ - 1981- chính là năm hài cốt của anh trai anh được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Bình Thuận (thuộc địa bàn xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc). Đây là một trong số không nhiều lắm những bài thơ anh viết theo mạch cảm xúc dâng tràn, dưới ánh điện mờ, nhòe bởi tột cùng nhớ thương và giàn giụa nước mắt.
Cả bài thơ là một nén hương thơm kính viếng người đã khuất. Tình cảm của tác giả cũng chính là tình cảm thiêng liêng mà cả dân tộc ta vẫn dành riêng cho những người con ưu tú đã sẵn sàng “quyết tử” cho Tổ quốc “quyết sinh”. Đây là đạo lý và truyền thống tốt đẹp của một dân tộc có bề dày hàng ngàn năm văn hiến.
Bài thơ “Phan Thiết có anh tôi” không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với hôm qua mà mãi đến hôm nay và có lẽ mai sau, nó vẫn còn vẹn nguyên giá trị; đặc biệt là dịp cả nước ta đang hướng về kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022).