Phượt “Đa Mi xanh”

Du lịch - Ngày đăng : 06:15, 01/04/2022

Tháng 3, trời trong xanh, ánh nắng vàng ban mai trải rộng. Đèo Đông Giang kẻ lên, người xuống trông nhộn nhịp hơn xưa. Nhiều lữ khách từ Phan Thiết lên dừng xe ngay vách đá dựng đứng cao hơn 10 m nằm ở lưng chừng đèo để chụp ảnh lưu niệm và ngắm nhìn thỏa thích cung đèo uốn lượn như “con trăn” khổng lồ.
h-da-mi.jpg
Vườn cây trái bên hồ Hàm Thuận.

Đèo Đông Giang sau khi hoàn tất việc “hạ đèo” vào cuối năm 2020 đã trở thành cảnh đẹp của núi rừng Hàm Thuận Bắc. Đi hết cung đường ĐT 714 qua Đông Giang, La Dạ là đến với vùng đất Đa Mi. Từ lâu cái tên gọi “Đa Mi xanh” đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Tháng 3, Đa Mi không chỉ nói lên vùng bình yên, an toàn trong dịch bệnh Covid-19 mà màu xanh còn trải rộng trên những hồ nước mênh mông, những cánh rừng bạt ngàn và màu xanh trong bao khu vườn nặng trĩu quả ngọt ở vùng đất Đaguri, La Dày. Ở Đa Mi có 2 hồ nước lớn vừa sâu, vừa rộng, đó là hồ Hàm Thuận và hồ Đa Mi. Hồ Hàm Thuận rộng chừng 2.500 ha với 8 đảo nhỏ như những “chú rùa” nổi lên giữa làn nước trong xanh, phẳng lặng. Còn hồ Đa Mi diện tích hẹp hơn chỉ xấp xỉ 700 ha có nhiệm vụ giữ nước để làm thủy điện. Đa Mi ở độ cao vài trăm mét so với mặt biển, nên khí hậu nơi đây lúc nào cũng mát mẻ như cao nguyên. Vào buổi sáng sớm, khí hậu ban mai trong lành hòa quyện với mùi hương của hoa rừng, hoa cà phê và hương thơm lan tỏa từ những vườn trái cây bên hồ làm tâm hồn bao lữ khách thật nhẹ nhàng và thanh thoát. Ngồi tại quán cà phê “Đa Mi” bên quốc lộ 55, phóng tầm mắt ra xa ta thấy mặt hồ Hàm Thuận rộng mênh mông, nước trong xanh, những đảo nhỏ tròn, xanh thẳm tựa như những nốt nhạc đẹp trên mặt hồ phẳng lặng, lữ khách cảm nhận sự bình yên nơi rừng núi trùng điệp. Nếu lữ khách muốn tham quan lòng hồ chỉ cần đi bằng xuồng của dân đánh cá dạo một vòng quanh đảo nhỏ, sau đó có thể thưởng thức món cá nướng dân dã trên hồ. Lữ khách muốn chinh phục rừng già, trải nghiệm ngọn thác 9 tầng hay thác mây, thác mưa thì bắt đầu từ chân cầu Đaguri theo con đường mòn dốc đá dài hơn 7 cây số, 2 bên đường cây cối rậm rạp với đủ loài hoa dại tỏa hương thơm ngát. Người dân địa phương gọi thác 9 tầng, bởi thác nằm sâu trong khu rừng già bạt ngàn, có 9 tầng thác như ruộng bậc thang, thác không cao lắm nhưng không gian khá rộng, nhiều bạn trẻ sức khỏe dẻo dai cũng chỉ leo lên thác 3 rồi quay lại… Cách thác 9 tầng chừng 3 cây số là thác mây, thác mưa nằm kề bên nhau. Nước từ trên cao tuôn xuống, bụi nước như sương mù phủ kín cả một khu rừng già. Vì thế, phong cảnh nơi đây rất thơ mộng và hấp dẫn, nhất là đối với những lữ khách lần đầu khám phá 3 ngọn thác hùng vĩ. Anh Võ Hoàng Quân, ngụ tại phường Đức Thắng (Phan Thiết) cùng với tốp bạn tham quan nhóm thác Đa Mi chia sẻ: “Du lịch biển nhiều rồi, bây giờ trải nghiệm du lịch rừng ngắm thác cảm thấy rất thú vị. Đến Đa Mi không chỉ vào vườn các hộ dân ở thôn La Dày, Đaguri thưởng thức trái cây tươi, đi hồ ngắm đảo nhỏ, đốt lửa sinh hoạt dã ngoại qua đêm, thưởng thức món cá tầm đặc sản… hấp dẫn hơn là trải nghiệm leo thác khám phá rừng già, cùng nghe âm thanh chim lạ trong khu rừng Đa Mi. Tuy nhiên, cả 3 ngọn thác trong cánh rừng già nơi đây còn hoang sơ, chưa được đầu tư hạ tầng du lịch nên đường vào thác còn gập ghềnh, nhiều tảng đá lớn chắn ngay bên đường làm trở ngại cho cuộc vui chơi, khám phá thác đẹp.

Nếu ai chưa tới Đa Mi một lần ắt hẳn chưa hình dung được một cách trọn vẹn vùng đất nên thơ này. Quang cảnh và khí hậu Đa Mi những ngày tháng 3 mát mẻ và bình yên. Kỳ vọng một ngày không xa Đa Mi xanh được các nhà đầu tư quan tâm khai thác tiềm năng và trở thành điểm đến hấp dẫn của bao lữ khách phương xa.

Nhật Bảo