Nhớ lắm chiều quê

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:20, 01/04/2022

Tôi là người sinh ra và lớn lên gắn bó máu thịt với nhà quê, nên lúc nào cũng cảm nhận được những điều dung dị nhất mà chỉ miền quê mới có. Sớm tinh mơ có tiếng gà gáy gọi người dân thức dậy chuẩn bị ra đồng khi sương mai còn vươn trên cành cây, ngọn cỏ.

Có những hạt sương đọng lên trên những bông hoa bên đường, nhìn giống những bông hoa tuyết thật đẹp. Rồi tiếng chim hót, tiếng người nông dân ới nhau ra đồng, ra chợ… Khí trời sáng sớm luôn se lạnh, gió thoang thoảng khẽ lay động ngọn cây làm tê buốt lòng người.

anh-xa-que-nho-ve-que-huong-xinh-dep.jpg

Cảnh buổi trưa ở quê trong mắt trẻ thơ của tôi nó đẹp và lung linh, rực rỡ; đặc biệt là những buổi trưa hè. Ở quê, người lớn rất kỵ khi trời đứng bóng lúc mà mặt trời trên đỉnh đầu; bóng người, bóng cây nằm ngay dưới chân, dưới gốc mà không thể ngắn hơn được nữa. Khi đó, cha mẹ thường bắt lũ trẻ phải vào trong nhà không được la cà ngoài đồng để bắt cào cào, châu chấu, hái hoa bắt bướm, bắt dế … vì sẽ dễ bị cảm nắng; mặc dù thời điểm này những người nông dân thường tranh thủ cái nắng gắt của buổi trưa để mang lúa ra sân, ra đường phơi cho mau khô. Còn với lũ trẻ chúng tôi, dù có nóng nực đến mấy cũng không được nhảy sông, tắm suối vào lúc này sẽ dễ bị bệnh cảm nước hoặc một căn “bệnh” mà người ta ít nói ra là “ma da nhận nước”. Xế, chiều muốn tắm lúc nào cũng được, nhưng lúc đó thì lạnh lắm, trẻ thơ chỉ mong được tắm buổi trưa, còn buổi chiều chỉ cần rửa sạch bùn đất không còn lấm lem tay chân, mặt mũi là lên giường được rồi.

Chiều quê trong dĩ vãng của tuổi thơ tôi, trong trái tim tôi lại là một miền ký ức ngọt ngào khó mà nhạt phai. Lúc nhỏ, chăn bò trên những cánh đồng vừa mới gặt lúa vụ đông – xuân; tôi thường đưa những ngón tay nhỏ, ngắn của mình về nơi ông mặt trời ở phía đằng tây để xem còn bao lâu nữa thì mặt trời lặn. Cùng với đó là nhìn vào hông, bụng bò có được no cỏ chưa? Nếu bò đã no thì trong lòng mừng lắm; nếu bò chưa no mà thời gian không còn bao lâu nữa trời tối thì cảm thấy buồn buồn vì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng ngược lại có những buổi chiều, mặc dù trời chưa tối, bò ăn chưa no; khi mà nghe chiếc xe lam chạy ngoài đường phát loa: “Vào lúc bảy giờ tối nay, tại sân bãi hợp tác xã, đoàn chiếu phim lưu động chúng tôi sẽ chiếu bộ phim đại loại như: Giải phóng châu âu – phim truyện màu chiến đấu của Liên xô”… thì lòng rạo rực muốn cho bò về sớm để mà tắm rửa xin tiền mẹ đi xem phim. Nhưng cũng chỉ lâu lâu mới được đi một lần vì cha mẹ nghèo lắm không có tiền chi vào các dịp như vậy nhiều đâu.

Lớn lên một tý, khi mà biết cày, biết gặt… thì buổi chiều là thời gian làm được nhiều công việc nhất; tranh thủ trời mát làm ráng thêm một vài canh giờ nữa cũng có thể giải quyết được rất nhiều việc, nên cũng mong trời chậm tối. Và ở cái tuổi này, cũng là thời gian hẹn hò, dù tham công tiếc việc nhưng rồi cũng tranh thủ chiều về để tắm rửa sạch sẽ, quần áo tươm tất, trai gái tụm năm, tụm bảy đàn hát cho nhau nghe những bài tình ca một thời đáng nhớ. Rồi cũng có từng đôi trai gái nên duyên chồng vợ dưới những đêm trăng hò hẹn.

Với tôi, bây giờ hoặc là mãi mãi sau này, ký ức về những buổi chiều miền quê như thế luôn làm cho lòng thêm đầy ắp những niềm yêu thương. Với những người ở quê họ luôn trân quý và đi tìm mớ ký ức không theo trật tự nào để nối lại kỷ niệm của một thời trai trẻ. Còn với những người sống xa quê hương như tôi, thời gian của những buổi chiều quê đi qua thời trẻ tuổi như ngưng đọng. Khi nghĩ đến những buổi chiều ở làng quê, tôi thường nhớ nhung, muốn gom góp lại hết những ngày cũ. Có những ngày cũ, những kỷ niệm khắc nghiệt không muốn nhớ vì những thất bại trong cuộc đời; nhưng cũng có những kỷ niệm của những ngày cũ đọng mãi trong lòng là động lực để phấn đấu cho một tương lai, một hành trình mới trong cuộc đời.

Hôm nay, ở nơi đất khách, quê người; giữa chốn thị thành phồn hoa, đô hội; đặc biệt trong thời kỳ diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid – 19, tôi luôn nhủ lòng mình không được phép quên hương vị quê hương của những buổi chiều đầy thương nhớ. Tôi luôn cầu mong đại dịch sớm qua mau, chí ít thì cũng không còn phức tạp để mọi người có cuộc sống an yên. Còn tôi thì thỏa sức vẫy vùng được trở về lại tuổi thơ của những chiều xưa cũ, nơi tôi sinh ra và trưởng thành trước khi xa quê hương lập nghiệp.

Đỗ Văn Cường