Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 (mở rộng): Thảo luận sâu về Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chính trị - Ngày đăng : 09:29, 02/04/2022
Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày quan điểm, mục tiêu phát triển và các đột phá chiến lược của tỉnh. Trong đó, quy hoạch với mục tiêu tổng quát là không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi nhân dân, hướng tới phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị. Đó là, Dịch vụ với các loại hình du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, dịch vụ logistics; Công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp năng lượng sạch được tổ chức thành các cụm liên ngành và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người khoảng 7.800 - 8.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 60%, các đô thị hạt nhân phát triển theo mô hình đô thị thông minh…
Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận, phân tích một số nội dung trong Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các ý kiến đánh giá cao Quy hoạch được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng có nhiều định hướng lớn cho sự phát triển của tỉnh. Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững, bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, kế thừa trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị đơn vị tư vấn cần có đánh giá cụ thể về bối cảnh kinh tế của địa phương trong từng giai đoạn, nêu bật và rõ nét hơn các đặc thù, lợi thế của tỉnh nhằm xác định mục tiêu ưu tiên đầu tư phát triển; đề cao liên kết ngành, liên kết vùng, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ và cát cứ về mục tiêu, không gian và nguồn lực.
Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Các tuyến đường huyện chưa thấy đưa vào quy hoạch, nếu không đưa vào quy hoạch, sau này lập các dự án đầu tư sẽ căn cứ vào đâu để lập dự án và đầu tư xây dựng. Do đó, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, xem xét thêm để bổ sung cho phù hợp. Đối với quy hoạch trục đường ven biển, theo đề xuất của đơn vị tư vấn thì thực hiện theo Quyết định 129 năm 2010 của Thủ tướng và Quyết định 1454 năm 2021 về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia. Tuy nhiên, Quyết định 129/2010 đến nay đã có nhiều thay đổi, phải cập nhật lại, riêng theo Quyết định 1454 của Thủ tướng, trong quyết định có nói “đối với trục ven biển thì được quy hoạch kể cả hướng tiến và quy mô trong quy hoạch tỉnh”, vì vậy trong quy hoạch này đề nghị đơn vị tư vấn xem xét quy hoạch lại tuyến đường trục ven biển cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của địa phương.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Huý – Bí thư Huyện ủy Đức Linh cũng cho biết thêm: Qua rà soát trên địa bàn huyện Đức Linh và báo cáo thuyết minh của quy hoạch thì thấy địa bàn Đức Linh rất thiếu tuyến kết nối và trục tuyến quy hoạch của tỉnh. Những tuyến được mở ra và kết nối vẫn chưa được cập nhật vào quy hoạch. Ngoài ra, đại biểu Huý còn cho rằng, trong quy hoạch cần phải cân đối nguồn lực cho đầu tư hạ tầng của các cụm công nghiệp trên địa bàn công nghiệp của tỉnh. Nếu chúng ta không đủ điều kiện thành lập khu thì chúng ta thành lập cụm để hoạt động, thu hút đầu tư. Vì vậy, đơn vị tư vấn cần xem xét. Riêng quy hoạch chăn nuôi heo trong thời gian tới, ở huyện Đức Linh được quy hoạch 204 ha. Tuy nhiên, việc đầu tư chăn nuôi heo của tỉnh có chủ trương dừng. “Riêng với huyện Đức Linh qua những năm đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi heo thì cần phải quan tâm, xem xét có tiếp tục đầu tư chăn nuôi heo nữa hay không, nhất là những dự án heo tập trung. Vì nó rất ảnh hưởng đến đất đai, môi trường. Do đó, Đức Linh xin không tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi heo tập trung trong thời gian tới nữa”, đại biểu Huý nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng đã phân tích làm rõ thêm về các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của quy hoạch và xác định các trụ cột tăng trưởng; kịch bản tăng trưởng… Nhiều ý kiến cũng đã đề xuất, thêm những ý tưởng mới để Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu để có thể tích hợp vào Quy hoạch nhằm tạo động lực phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy - Dương Văn An thống nhất với quan điểm, mục tiêu, phương án được nêu trong dự thảo báo cáo tổng hợp do UBND tỉnh trình và nội dung trình bày của đơn vị tư vấn, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn tiếp theo, tạo nền tảng phát triển đến năm 2050. Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lấy ý kiến các Sở, ngành, địa phương và các đại biểu dự họp để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện gửi xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương lân cận nhằm đảm bảo tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Chính phủ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện dự thảo báo cáo và cho ý kiến trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt.